Một tàu chở khí đốt hóa lỏng của Hy Lạp sẽ vượt Bắc Băng Dương để tới Nhật Bản vào tháng 12.
Ob River, tên của con tàu chở khí đốt được thiết kế đặc biệt, rời Na Uy vào ngày 7/11. Nó đang di chuyển tới phía bắc nước Nga trước khi tới Nhật Bản. Một tàu phá băng của Nga hộ tống Ob River trong phần lớn hành trình. Theo kế hoạch, Ob River sẽ tới Nhật Bản trong vòng nửa đầu tháng 12. Thời gian di chuyển của tàu sẽ giảm 20 ngày so với lộ trình thông thường.
Công ty Dynagas của Hy Lạp sở hữu Ob River, song tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã thuê tàu chở khí đốt từ Na Uy sang Nhật Bản qua biển Barents thuộc Bắc Băng Dương.
Tàu chở khí đốt Ob River của công ty Dynagas tại Hy Lạp. (Ảnh: shipspotting.com)
“Đây là một hành trình cực kỳ thú vị. Thủy thủ trên tàu đã thấy gấu Bắc Cực trong quá trình di chuyển. Mọi thứ diễn ra thuận lợi”, Tony Lauritzen, giám đốc thương mại của Dynagas, phát biểu.
Lauritzen nói rằng ban lãnh đạo Dynagas quyết định cho tàu di chuyển qua Bắc Băng Dương do tình trạng tan băng ở đây.
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều dữ liệu khoa học và nhận thấy những điều kiện trên Bắc Băng Dương hiện nay đang trở nên thuận lợi hơn cho hoạt động vận tải. Lợi nhuận sẽ tăng khi quãng đường giảm tới 40%, đồng nghĩa với việc tiết kiệm 40% nhiên liệu”, Lauritzen nói.
Tàu phá băng di chuyển phía trước tàu chở khí
đốt Ob River sau khi nó rời Na Uy. (Ảnh: Dynagas)
Các hình ảnh mới nhất do vệ tinh cung cấp cho thấy, độ dày của băng tại Bắc Cực đã giảm tới mức thấp nhất trong lịch sử. Một số nhà khoa học Mỹ cảnh báo rằng, có thể trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, cực bắc của địa cầu sẽ không còn băng.
Băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn dự báo của giới khoa học vì hiệu ứng nhà kính. Tình trạng đó không chỉ tác động xấu tới gấu Bắc Cực, mà còn làm thay đổi khí hậu trên toàn thế giới. Băng có khả năng phản chiếu tia nắng mặt trời khiến lượng nhiệt mà đại dương hấp thu giảm đi. Khi băng ở một nơi nào đó trên đại dương biến mất, nước sẽ hấp thu nhiều nhiệt hơn.
Hậu quả là băng ở nơi khác tiếp tục tan và diện tích của nước ngày càng mở rộng. Sự tan chảy của băng cũng có thể gây nên tranh chấp giữa các quốc gia trong hoạt động khai thác tài nguyên như dầu mỏ và vận tải đường biển.