Hôm kia 3.5, tàu con thoi Discovery đã được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho di chuyển tới bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) để chuẩn bị cho chuyến bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào ngày 31.5 tới.
Trước đó, NASA dự kiến sẽ phóng tàu Discovery vào ngày 25.5, nhưng do thùng nhiên liệu của tàu chưa được đưa đến kịp vì lý do thời tiết xấu nên NASA đã dời ngày phóng đến 31.5. Các kỹ sư của NASA đã mất khoảng 6 giờ 20 phút để chuyển tàu Discovery từ xưởng lắp ráp động cơ đến bệ phóng trên quãng đường hơn 5,47 km.
Trong sứ mệnh lần này, tàu Discovery sẽ mang theo bộ phận chính của phòng thí nghiệm Kibo của Nhật Bản dài 11,2m, nặng 15,9 tấn với cánh tay robot được điều khiển từ xa. Đây là một trong ba bộ phận cấu thành phòng thí nghiệm lớn và hiện đại nhất của ISS do Nhật Bản chế tạo trị giá 3 tỉ USD.
Bộ phận đầu tiên là mô-đun hậu cần ELM-PS nặng 4,2 tấn, dài 3,9m, đường kính 4,4m được tàu Endeavour đưa lên ISS trong chuyến bay kéo dài 16 ngày từ 11-26.3 vừa qua. Phần còn lại là hệ thống viễn thông dự kiến sẽ có mặt trên trạm vào tháng 3.2009.
Tàu Discovery trên bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. (Ảnh: NASA) |
Theo thông tin từ website của NASA, ngày 6.5 tới, phi hành đoàn tàu Discovery sẽ đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy để bước vào đợt huấn luyện trước khi bay. Sứ mệnh tàu Discovery lần này mang mã số STS-124 dự kiến sẽ kéo dài 13 ngày, gồm 7 người: chỉ huy trưởng Mark E. Kelly, phi công Kenneth T. Ham, các nhà du hành Gregory E. Chamitoff, Michael E. Fossum, Karen L. Nyberg (nữ), Ronald J. Garan và Akihiko Hoshide (người Nhật, đến từ Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản - JAXA).
Được biết, Trạm Vũ trụ Quốc tế trị giá 100 tỉ USD sẽ hoàn thành vào năm 2010 sau 12 năm ngày đặt những bộ phận đầu tiên. Đấy cũng là năm đoàn tàu con thoi của NASA được "nghỉ hưu".