Các nhiệm vụ mở rộng của tàu vũ trụ Hằng Nga-5 được tập trung vào nghiên cứu và khai thác thông tin điểm quỹ đạo Lagrange (L1).
Mang theo mẫu vật Mặt trăng trở về Trái đất ngày 17/12, tàu vũ trụ Hằng Nga-5 được lên kế hoạch cho nhiệm vụ khám phá không gian mới, thực hiện sứ mệnh mở rộng và lên đường đến điểm Lagrange (L1) giữa Trái đất và Mặt trời. Đây là vị trí mà lực hấp dẫn của Mặt trời và của Trái đất bù trừ lẫn nhau, cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km.
Tàu Hằng Nga-5 sẽ được nhận nhiệm vụ không gian mới. (Ảnh: QQ).
Nhóm nghiên cứu Dự án cho biết, điểm Lagrange L1 là một điểm mà một vật thể nhỏ có thể ổn định, có thể đứng yên dưới lực hấp dẫn của hai vật thể lớn.
Điểm này nằm giữa đường thẳng của Mặt trời và Trái đất, được coi là vị trí tốt nhất để đặt trạm quan sát Mặt trời. Điểm này giúp tàu vũ trụ không bị Trái đất và Mặt trời che khuất mà vẫn có thể liên tục quan sát hai vật thể này.
Ngoài ra, các nhiệm vụ mở rộng của Hằng Nga-5 bao gồm xác minh thiết kế công nghệ điều khiển của quỹ đạo chuyển giao điểm L1, thực hiện thăm dò dài hạn xung quanh điểm L1, phát hiện môi trường chiếu sáng và chiếu xạ gần điểm L1 để xác định khả năng thích ứng của hệ thống liên quan. Đồng thời, để thực hiện các phát hiện tại điểm L1, tàu sẽ thực hiện các phép đo và kiểm tra thông tin kết nối liên lạc giữa máy dò và mặt đất trong quá trình di chuyển.
Việc mở rộng nhiệm vụ của tàu Hằng Nga-5 là một trong nhiều sứ mệnh khám phá không gian của Trung Quốc nửa đầu năm 2021. Trong đó có nhiệm vụ đưa modue lõi của tàu vũ trụ Thiên Châu -2 và tàu vũ trụ có người lái Thần Châu -12.