Tàu Messenger lần đầu tiên bay ngang Sao Thủy

Ngày 15/01, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết tàu thăm dò Sao Thủy mang tên Messenger hiện đang bay ngang hành tinh nhỏ nhất của hệ Mặt trời. Như vậy, sau 33 năm kể từ khi tàu thăm dò Mariner 10 kết thúc sứ mệnh, con người lại đang chờ đón những dữ liệu mới nhất về hành tinh nhỏ.

Tàu thăm dò Messenger nặng 1,2 tấn có kích cỡ bằng một chiếc xe hơi hiện đang cách Sao Thủy 200 km với tốc độ bay gần 26.000 km/giờ. Từ ngày 15/01, tàu Messenger bắt đầu truyền về Trái đất khoảng 1.300 bức ảnh và những dữ liệu nghiên cứu khác. NASA cho biết, đến cuối tháng, họ sẽ công bố những hình ảnh mới nhất này.

Tàu Messenger được NASA phóng lên không gian ngày 03/08/2004 tại bang Florida (Mỹ) theo tên lửa Boeing Delta II. Trong chuyến hành trình 6 năm rưỡi, tàu sẽ bay một đoạn đường ước tính lên đến 7,8 tỉ km.

Mặc dù Sao Thủy chỉ cách Trái đất 91 triệu km, tuy nhiên do không đủ nhiên liệu cần thiết để bay một mạch vào quỹ đạo hành tinh nhỏ nhất Thái dương hệ này, nên Messenger phải thực hiện nhiều chuyến bay vòng để lợi dụng lực hấp dẫn của Trái đất, Sao Kim, Mặt trời.

Đến nay, tàu Messenger đã bay ngang Trái đất 1 lần vào tháng 8/2005, ngang Sao Kim 2 lần vào tháng 10/2006 và tháng 6/2007. Sắp tới, tàu sẽ còn bay gần Sao Thủy vào 2 lần nữa vào ngày 6/10/2008 và ngày 29/09/2009 trước khi đi vào quỹ đạo của hành tinh này vào ngày 13/03/2011 để bắt đầu thực hiện sứ mệnh thám hiểm trong vòng 1 năm.


Tàu Messenger thăm dò sao Thủy (Ảnh: NASA)

Trong một năm bay quanh Sao Thủy, Messenger có nhiệm vụ lập bản đồ bề mặt của hành tinh cấu tạo bằng kim loại nặng này và tìm kiếm dấu hiệu của nước trong các miệng hố nằm ở đầu cực bị khuất trong bóng tối, nghiên cứu bề mặt đá rắn, tầng khí quyển loãng và tầng nhân nóng chảy của Sao Thủy. Messenger được trang bị camera, quang phổ kế để xác định thành phần hóa chất, máy đo từ trường để thám sát trường từ và thiết bị đo độ cao để vẽ lại địa hình Sao Thủy.

Với chuyến bay trị giá 446 triệu USD, Messenger được các nhà khoa học kỳ vọng sẽ giúp họ giải đáp nhiều câu hỏi về hành tinh ít được biết đến này. Với dữ liệu do Messenger truyền về, các nhà khoa học mong muốn sẽ sáng tỏ được tại sao hành tinh gần Mặt trời nhất lại có khối lượng quá nặng, về hệ từ trường và khí quyển cũng như cấu tạo của lõi Sao Thủy, đồng thời, Messenger cũng sẽ đưa ra ánh sáng hình ảnh 55% bề mặt Sao Thủy, vốn chưa từng được quan sát bởi tàu thăm dò trước đó.

Được biết vào năm 1973, tàu thăm dò Mariner 10 của NASA đã được phóng lên Sao Thủy. Mariner 10 bay ngang Sao Thủy 3 lần vào các năm 1974, 1975 và ghi lại 45% bề mặt của hành tinh nhỏ.


Hình ảnh bề mặt sao Thủy được tàu Mesenger của Nasa gửi về hôm 14/01/2008 (Ảnh: NASA)

Theo Thanh niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video