navigation

Tàu ngầm K-27 – "thảm họa Chernobyl dưới biển" của Liên Xô

Tàu ngầm K-27 bị Liên Xô đánh đắm với lò phản ứng không được tháo dỡ, có thể gây nguy cơ rò rỉ phóng xạ không kém thảm họa Chernobyl.

Ở thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh vào năm 1968, 144 thủy thủ Liên Xô trên tàu ngầm K-27 lên đường đến Bắc Cực thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin về căn cứ của NATO. Họ mà không hề biết rằng mình sắp đối mặt với một thảm họa phóng xạ trong lòng biển, theo BBC.

K-27 là tàu ngầm tấn công duy nhất thuộc Đề án 645, được phát triển từ Đề án 627 (NATO định danh: November). Tương tự Mỹ, Liên Xô thường thử nghiệm các công nghệ tiên tiến đi trước thời đại. K-27 được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân VT-1 làm mát bằng kim loại lỏng. Đây là thiết kế chưa từng xuất hiện trên tàu ngầm Liên Xô, khiến K-27 giống một dự án khoa học hơn là tàu ngầm tấn công.

Khi hạ thủy ngày 15/6/1958, K-27 là tàu ngầm Liên Xô đầu tiên sở hữu lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng hỗn hợp kim loại lỏng gồm chì và bismuth. Lò phản ứng loại này có kích thước nhỏ và công suất lớn hơn thiết kế làm mát bằng nước truyền thống. Nó giúp tàu ngầm ẩn mình nhiều tuần trong lòng biển mà không cần nổi lên hoặc tiếp liệu. K-27 đã lập kỷ lục ấn tượng trong hải quân Liên Xô, khi trở thành tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên lặn liên tục trong 50 ngày.

Bất chấp công nghệ và thông số ấn tượng, K-27 có tuổi thọ vận hành ngắn ngủi do gặp sự cố lò phản ứng hạt nhân. Ngày 24/5/1968, trong chuyến do thám Bắc Cực, một trong hai lò phản ứng VT-1 gặp sự cố, khiến nguồn điện năng cung cấp cho tàu giảm đột ngột từ 87% xuống 7%. Cùng thời điểm đó, bức xạ gamma tăng vọt trong khoang chứa lò phản ứng. Khí độc và hơi nước cũng rò rỉ từ lò phản ứng sang các khoang khác.


K-27 trong một chuyến tập trận gần lực lượng NATO. (Ảnh: The Lean Submariner).

“Sau 5 ngày hành trình, mọi thứ diễn ra bình thường. Tôi đang trò chuyện với những người khác ở khoang số 5, cạnh khoang số 4 chứa hai lò phản ứng hạt nhân, thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng ai đó đang chạy. Chúng tôi có thiết bị phát hiện bức xạ nhưng không bật máy, chẳng ai quan tâm đến thông số cho đến khi kỹ thuật viên bật máy đo bức xạ. Mặt anh ấy sửng sốt và đầy lo lắng”, sĩ quan tàu ngầm Vyacheslav Mazurenko nhớ lại.

Thủy thủ đoàn không hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề cho đến khi quá muộn, bởi khí nhiễm phóng xạ không có mùi vị. Hai giờ sau đợt báo động ban đầu, những người trong khoang số 4 phải được khiêng ra bằng cáng do bị nhiễm phóng xạ quá nặng. Thủy thủ đoàn tìm cách cho tàu nổi lên, sau đó mất tới 5 giờ để đưa tàu về căn cứ trên bán đảo Kola.

“Khi tàu nổi lên mặt nước, cấp trên ra lệnh tắt động cơ và chờ chỉ thị đặc biệt. Tuy nhiên, thuyền trưởng Pavel Leonov quyết định tiếp tục hành trình. Nếu dừng lại thêm vài giờ, không ai có thể sống sót để đưa K-27 về căn cứ”, Mazurenko nói.

Tất cả 144 thủy thủ trên tàu đều bị nhiễm phóng xạ, trong đó 9 người thiệt mạng. Tuy vậy, Liên Xô vẫn tiếp tục cho tàu K-27 ra khơi sau đó một tháng và tiến hành nhiều thí nghiệm đến tận năm 1973.

Đến tháng 2/1979, quân đội Liên Xô quyết định loại biên K-27, nhưng phải đau đầu tìm phương án xử lý lò phản ứng hạt nhân trên tàu. Cuối cùng họ quyết định đánh đắm K-27 tại vùng nước sâu 30 m trên biển Kara ngày 6/9/1982.

Khoang tàu K-27 được đổ đầy bê tông và nhựa đường để bọc kín hai lò phản ứng và 90 kg nhiên liệu urani-235 bên trong, nhưng lớp bảo vệ này dự kiến chỉ có tác dụng trong vòng 50 năm. Đến giữa năm nay, lớp vỏ bê tông và nhựa đường trên tàu chỉ còn hạn sử dụng khoảng 15 năm. Điều đó khiến K-27 được ví như một thảm họa Chernobyl dưới biển chực chờ xảy ra.


Tàu K-27 trong quá trình bị đánh đắm. (Ảnh: Barents Observer).

“Sớm hay muộn, rò rỉ phóng xạ sẽ diễn ra nếu để tàu K-27 nằm đó. Con tàu đã ở yên trong lòng biển hơn 30 năm qua trong tình trạng hoen gỉ. Thách thức hiện nay là tìm cách đưa tàu lên mà không làm các lò phản ứng bị rung lắc nhiều. Nếu điều đó xảy ra, chuỗi phản ứng không kiểm soát có thể bị kích hoạt, gây rò rỉ lượng lớn vật liệu phóng xạ ra môi trường biển Bắc Cực. Loại ô nhiễm này không thể tẩy sạch khỏi đáy biển”, Thomas Nilsen, tổng biên tập tờ Barents Observer, nói.

Dù gặp sự cố trên tàu K-27, lò phản ứng làm mát bằng kim loại lỏng vẫn được hoàn thiện và trang bị cho tàu ngầm Đề án 705 “Lira” (NATO định danh: Alfa). Chúng có tốc độ nhanh chưa từng thấy và khả năng lặn sâu đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cả 7 chiếc tàu ngầm Lira đều bị loại biên sớm do chi phí bảo dưỡng tốn kém.

Mỹ cũng trang bị lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng trên tàu ngầm USS Seawolf (SSN-575) trong thập niên 1950, nhưng nước này nhanh chóng loại bỏ chúng để quay lại với lò phản ứng bằng nước cao áp.

Cập nhật: 17/04/2018 Theo luatphapso