Tàu thám hiểm Mặt trăng của Ấn Độ hoàn thành sứ mệnh, chuyển sang chế độ ngủ

Sau khi di chuyển hơn 100 mét trên bề mặt Mặt trăng và thực hiện một số khảo sát, tàu thăm dò Pragyan của Ấn Độ đã đỗ lại an toàn, chuyển sang chế độ ngủ.

Xe thám hiểm và tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hoàn thành các mục tiêu của sứ mệnh và được đưa vào chế độ ngủ.


Ấn Độ đã hoàn tất sứ mệnh hạ cánh và nghiên cứu khoa học ở cực nam của Mặt trăng. (Ảnh: ISRO).

Trong một thông báo vào ngày 4/9, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết tàu thám hiểm Pragyan và tàu đổ bộ Vikram của sứ mệnh Chandrayaan-3 đã hoàn thành nhiệm vụ kéo dài 2 tuần của mình.

Hai phương tiện này cũng được chuyển sang chế độ ngủ, với các thiết bị khoa học đã tắt do pin của chúng cạn kiệt.

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hạ cánh xuống Mặt trăng vào ngày 23/8. Rover thăm dò Pragyan rời khỏi tàu đổ bộ Vikram vào ngày 24/8.

Kể từ đó, rover của sứ mệnh đã di chuyển quãng đường hơn 100 mét trên bề mặt Mặt trăng, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như phân tích hóa học bề mặt Mặt trăng, lập bản đồ nhiệt mặt trên cùng của lớp regolith, cũng như các phép đo plasma.

Các thiết bị khoa học của Chandrayaan-3 cũng xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh, sắt, oxy và nhiều nguyên tố khác tồn tại trên Mặt trăng.

Theo dự kiến, Pragyan và Vikram sẽ hoạt động trở lại vào ngày 22/9, cũng là giai đoạn Mặt Trời mọc tiếp theo ở nửa tối của Mặt trăng.

ISRO hy vọng rằng họ sẽ có thể "đánh thức" thành công 2 phương tiện để tiếp tục hành trình phi thường. Tuy nhiên, có khả năng họ sẽ không thể làm được điều này.


Các nhà khoa học cho rằng, nước có thể được tìm thấy ở những vùng bị che phủ của Mặt trăng dưới dạng băng vĩnh cửu. (Ảnh: NASA).

Theo Space, tàu hạ cánh lên khu vực cực nam Mặt trăng phải có khả năng chịu được nhiệt độ cực kỳ khắc nghiệt, cũng như phương án bổ sung năng lượng do thiếu hụt ánh sáng Mặt Trời.

Không giống như tàu đổ bộ Luna-25, Pragyan và Vikram không được trang bị những lớp bảo vệ khỏi nhiệt độ cực thấp ở khu vực này. Do đó, một số thiết bị khoa học có thể sẽ bị hư hại vĩnh viễn và không hoạt động trở lại.

"Nếu không thể thức dậy, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 sẽ mãi nằm ở đó với tư cách là đại sứ Mặt trăng của Ấn Độ", ISRO cho biết trong một tuyên bố. Dẫu vậy, sứ mệnh vẫn được các phương tiện truyền thông ca ngợi, xem như "kỳ tích khoa học vĩ đại nhất" của Ấn Độ.

Hạ cánh trên Mặt trăng luôn là một thử thách khó khăn. Đến nay chỉ có 4 quốc gia, gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ, đạt được thành tích này.

Ấn Độ trước đây đã từng cố gắng hạ cánh lên Mặt trăng vào năm 2019 với sứ mệnh Chandrayaan-2, tiền thân của Chandrayaan-3. Tuy nhiên, tàu đổ bộ của Chandrayaan-2 đã bị rơi do trục trặc phần mềm.

Đầu năm nay, tàu vũ trụ Hakuto-R do công ty ispace có trụ sở tại Nhật Bản, cũng đã va vào vành đai miệng núi lửa Mặt trăng trong quá trình hạ cánh. 3 ngày trước khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 thành công, sứ mệnh Luna-25 của Nga đã gặp sự cố, đâm thẳng vào bề mặt Mặt trăng.

Cập nhật: 05/09/2023 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video