Một nhóm thợ lặn và kỹ sư làm việc suốt 5 năm để giải phóng và đưa lên mặt biển chiếc tàu thám hiểm Na Uy bị mắc kẹt suốt 86 năm trong lớp băng Bắc Cực.
Chiếc tàu thám hiểm tên Maud được trục vớt trong dự án Maud Returns Home với mục đích đưa tàu trở về Na Uy để trưng bày tại viện bảo tàng ở Vollen, nơi nó ra đời, Mirror hôm 11/10 đưa tin. Quá trình trục vớt diễn ra dưới sự chỉ đạo của Jan Wanggaard, một họa sĩ người Na Uy.
Các thành viên dự án chỉ có thể làm việc từ tháng 7 đến tháng 9 khi băng tan chảy và nhiệt độ ngoài trời tăng lên 10-15 độ C. Họ lặn xuống đáy biển và chèn những túi khí bên dưới xác tàu. Con tàu sau đó được nâng nhẹ nhàng khỏi nơi yên nghỉ và đưa lên xà lan. Do nước biển quá lạnh, vi khuẩn phân hủy gỗ sồi không thể tồn tại, nhờ đó khung tàu vẫn còn chắc chắn như khi mới đóng.
Sau khi nâng Maud lên mặt biển, nhóm dự án phải đào hàng tấn bùn khỏi khoang tàu. Họ sẽ phơi tàu Maud ngoài trời để nó khô ráo và giảm bớt trọng lượng trước khi đưa tàu về Na Uy trong hành trình kéo dài ít nhất hai mùa hè.
Tàu Maud từng thuộc sở hữu của Roald Amundsen, nhà thám hiểm vùng cực người Na Uy. Amundsen cố tình điều khiển con tàu lao vào một tảng băng trôi trên eo biển Bering để tàu có thể trôi dạt cùng tảng băng ngang qua Bắc Băng Dương.
Chiếc tàu trang bị nhiều thiết bị khoa học để phục vụ quan sát khí tượng, địa vật lý và hải dương học. Tuy nhiên, tàu Maud được bán cho công ty Hudson Bay vào năm 1925, trở thành một nhà kho trôi nổi và trạm vô tuyến không dây trước khi chìm vào năm 1930 ở vịnh Cambridge của Canada.
"Đối với tôi, chiếc tàu được đóng rất đẹp. Nó là thành quả từ lịch sử 2.000 năm đóng tàu ở Na Uy và đặc biệt chắc chắn để chống chịu tác động của băng. Chiếc tàu này là sản phẩm thủ công tốt nhất mà bạn có thể hình dung", Wanggaard nói.