Do hoàn lưu bão số 2 kết hợp gió mùa tây nam, 2 ngày qua các tỉnh Tây Nguyên mưa rất to; mực nước trên các sông Srêpôk và sông Đồng Nai lên nhanh. Mưa lũ làm 4người chết; 16 người mất tích, 1 người bị thương.
Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo PCLB TƯ sáng nay (6/8), ông Bùi Nguyên Hồng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB TƯ thông báo, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối ở Tây Nguyên đã làm 02 người chết ở Đăk Lăk (Madrak 1 người, Cưmgar 1 người); 14 người bị mất tích (Buôn Mê Thuột 1 người, Krông Bách 2 người, Krông Na 1 người, CưMgar 1 người, Krông Bông 1 người, Krông Năng 6 người, Krông Bút 2 người) và 1 người bị thương.
Do hoàn lưu bão số 2 kết hợp gió mùa tây nam nên khu vực các tỉnh Tây Nguyên 2 ngày qua đã có mưa rất to, làm mực nước trên các sông Srêpôk và sông Đồng Nai lên nhanh. Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho biết, hôm nay, mực nước sông Srêpôk và sông Ba có khả năng đạt đỉnh; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có khả năng lên BĐI, có nơi trên BĐI. |
Chưa kể, hàng trăm nhà bị sập, ngập. Đăk Lăk vỡ 7 đập thuỷ lợi nhỏ và trôi 26 đập bổi; tỉnh lộ 8 (huyện Cư Mgar) nhiều đoạn bị ngập sâu, đường giao thông nông thôn ở các huyện bị ngập và hư hỏng, một số cầu bị cuốn trôi; nhiều công trình giao thông thuỷ lợi bị xói lở, hư hỏng. Diện tích nông nghiệp bị ngập lên tới hàng nghìn ha. Tại Đăk Nông, đã có 600 hộ (huyện Krông Nô, thị xã Gia Nghĩa huyện Đăk R’ Lấp) bị ngập phải di dời. Riêng tại tỉnh này, tớc tính thiệt hại 150 tỷ đồng.
Ở phía Bắc, do thượng nguồn sông Hồng thuộc Trung Quốc đầu tháng 8 có mưa lớn trên diện rộng, đồng thời trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa to, vượt 100mm, gây lũ quét tại Cốc Xan huyện Bát Xát và xã Xuân Hoà huyện Bảo Yên, cũng gây thiệt hại đáng kể về nhà cửa, đường sá, song không có thiệt hại về người.
Chiều qua Ban chỉ đạo PCLB TƯ ban hành chỉ đạo 38. Theo đó, các tỉnh Gia lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận cần cử các đoàn công tác kiểm tra chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện và xử lý ngay những sự cố để đảm bảo an toàn công trình.
Những địa phương này phải tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm ở ven sông suối, vùng trũng, thấp, khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là vùng hạ lưu hồ chứa nước; tổ chức tìm kiếm người mất tích và cứu trợ cho nhân dân những khu vực bị thiệt hại.
Gió làm cây đổ tại Huế (Ảnh: VNN).
Hà Yên