Các quốc gia Tây Phi đều ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca tử vong do nhiễm virus Ebola ở khu vực này tăng lên gần 1.000 và Tổ chức Y tế Thế giới đang họp khẩn cấp bàn biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf cuối ngày 6/8 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 90 ngày, Reuters cho hay. Hàng loạt người dân sinh sống ở thủ đô Monrovia sau đó đổ ra ngân hàng rút tiền để mua thực phẩm về tích trữ. Số khác chọn cách sơ tán về những khu vực không chịu ảnh hưởng của dịch Ebola.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép chính phủ Liberia hạn chế quyền dân sự và điều động cảnh sát, quân đội tới cách ly những khu vực có dịch Ebola. Hiện dịch bệnh nguy hiểm chết người này đã xuất hiện ở 4 quốc gia Tây Phi là Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể bệnh nhân Ebola ở khu vực ngoại ô thủ đô Monrovia, Liberia. (Ảnh: EPA)
Kailahun và Kenema, hai thị trấn phía đông Siera Leone, được đặt trong tình trạng cách ly. Các câu lạc bộ đêm và điểm giải trí trên khắp quốc gia được yêu cầu đóng cửa, AFP dẫn lời người phát ngôn chính phủ Sierra Leone cho hay.
Các bác sĩ công lập ở Nigeria tạm hoãn cuộc đình công dài một tháng do lo ngại gia tăng khi virus Ebola xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Ebola khiến hai người thiệt mạng và lây cho 5 người ở thành phố Lagos.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, kể từ tháng 3 đã có hơn 1.700 ca mắc Ebola và ít nhất 932 trường hợp tử vong ở khu vực Tây Phi. Cơ quan này đang thảo luận về việc có tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch Ebola hay không trong một phiên họp kín khẩn cấp ở Geneva. Dự kiến các biện pháp ứng phó của WHO, trong đó có thể là hạn chế di chuyển trên toàn cầu, sẽ được thông báo trong hôm nay.
Trong tình hình dịch Ebola có nguy cơ lan rộng, Bộ Y tế Việt Nam cũng ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với ba kịch bản có thể xảy ra gồm khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế còn đề nghị các cửa khẩu giám sát chặt người nhập cảnh trước tình hình dịch Ebola diễn biến bất thường, tỷ lệ tử vong tới 90%.
Được phát hiện lần đầu vào năm 1976 và đặt tên theo một con sông ở Cộng hòa Dân chủ Congo, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng khoảng hai phần ba số người nhiễm bệnh, trong đó có hai đợt bùng phát với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Người nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, sau đó có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng. Tiếp đó, người bệnh ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan và thận, có thể gây xuất huyết nội và ngoại. Hiện chưa có vaccine hay phác đồ điều trị căn bệnh này.