Mãi sau này khi được đội ngũ Nintendo hé lộ, chúng ta mới hiểu thêm về anh chàng "thợ sửa ống nước" huyền thoại.
Kể từ lần đầu tiên xuất hiện cho tới nay, Mario đã góp mặt trong hơn 200 tựa game ở nhiều hệ máy, trở thành một trong những huyền thoại mà không ai không biết tới. Tuy nhiên, để nói về nguồn gốc cái tên của chàng thợ sửa ống nước lừng danh, dù là fan lâu năm cũng chưa chắc đã hết bất ngờ khi được biết về những câu chuyện thú vị dưới đây.
Lần đầu tiên xuất hiện trước cộng đồng game thủ của Mario không phải trong tựa game cùng tên như mọi người đã tưởng. Trên thực tế, Mario đã xuất hiện trong Donkey Kong từ lâu, với tên gọi là “Jumpman”. Anh chàng lúc bấy giờ cũng được mô tả như một gã thợ mộc chứ không phải là thợ sửa ống nước như hiện nay.
Mario xuất hiện lần đầu tiên trong Donkey Kong. (Ảnh: Jotform).
Cái tên Mario được lấy cảm hứng từ Mario Segale, một nhân vật có thật ngoài đời. Ông là chủ sở hữu tòa nhà mà Nintendo thuê văn phòng khi mở rộng mạng lưới sang nước Mỹ, cũng chính là người đã xông vào một buổi họp của Nintendo để… đòi một khoản tiền thuê nhà quá hạn.
Có vẻ như đội ngũ sản xuất của Mario đã quá ấn tượng với pha xuất hiện của vị chủ nhà này nên ngay lập tức, đưa luôn vào sản phẩm của mình.
Cặp đôi Mario và Luigi thường được gọi với cái tên “Anh em nhà Mario” (Mario Brothers). Trong tiếng Anh, khi muốn đề cập tới cặp anh em nào đó, người ta sẽ dùng phần “họ” gắn với chữ “brothers” (ví dụ: Nguyen Brothers, anh em nhà Nguyễn). Điều này có nghĩa, họ của Mario cũng là Mario, suy ra tên đầy đủ của anh chàng chính là Mario Mario, điều mà ít ai ngờ tới.
Mario Segale là người đã truyền cảm hứng để tạo ra nhân vật Mario. (Ảnh: Alchetron).
Cuối cùng, ngay cả kẻ thù truyền kiếp Wario của Mario hóa ra cũng có cách đặt tên thật sự đơn giản chứ không quá phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ.
Nó được kết hợp từ “warui” (từ tiếng Nhật dùng để ám chỉ cái xấu) và “Mario”. Tương tự, kẻ thù của Luigi cũng là Waluigi, thành ra, bộ đôi kẻ thù Wario và Waluigi hiểu nôm na chính là phiên bản xấu xa của Mario và Luigi mà thôi.