Thác băng chết chóc trên đỉnh Everest đang nguy hiểm hơn

Tình trạng ấm lên toàn cầu khiến băng trên thác băng Khumbu, một trong những đoạn nguy hiểm nhất khi leo đỉnh Everest, trở nên kém ổn định.

Chinh phục đỉnh Everest vốn là một hoạt động nguy hiểm. Trước khi những người leo núi theo tuyến đường South Col có thể đến được Camp 1, họ phải đối mặt với một trong những đoạn đường chết chóc nhất: Thác băng Khumbu, dải băng dịch chuyển chậm dài 2,6km ngay phía trên Base Camp.


Thác băng Khumbu tại Everest. (Ảnh: Wikimedia/Uwe Gille).

Thác băng, tương tự như thác nước, là nơi sông băng đổ xuống một vách đá. Phần băng bên trên vỡ ra thành những khối lớn, gọi là serac, trong khi phần băng bên dưới nứt ra, tạo ra những khe nứt sâu. Mọi thứ ở Khumbu đều khổng lồ, do đó, serac có thể là những tháp băng cao 30 m còn khe nứt có thể là những hẻm núi rộng 30 m trong băng.

Thác băng này nguy hiểm đến mức có một nhóm chuyên gia phụ trách việc vạch ra lộ trình để đi qua gọi là Bác sĩ Thác băng. Năm nay, họ đã trì hoãn mùa leo núi Everest 12 ngày do các điều kiện không an toàn, Business Insider cho biết hôm 5/5. Thác băng Khumbu sẽ chỉ trở nên nguy hiểm hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng, theo Paul Mayewski, nhà khí hậu kiêm nhà nghiên cứu đỉnh Everest từ Đại học Maine.

Về cơ bản, thác băng Khumbu là một dòng sông băng di chuyển chậm dần dần đổ xuống vách núi. Chuyển động của thác băng chính là yếu tố khiến nó trở nên không ổn định, tạo ra những khe nứt sâu và những trận tuyết lở chết người. Giai đoạn 1953 - 2019, 45 người đã thiệt mạng tại thác băng Khumbu. Ba nguyên nhân tử vong chính là tuyết lở trên thác băng (49%), băng sụp đổ (33%) và ngã xuống khe nứt (13%), theo Alan Arnette, huấn luyện viên leo núi kiêm người chinh phục đỉnh Everest.


Những khe nứt sâu và tuyết lở khiến thác băng Khumbu trở thành một trong những đoạn nguy hiểm nhất khi leo đỉnh Everest. (Ảnh: Olaf Rieck/Wikimedia Commons)

Đầu mỗi mùa leo núi, Bác sĩ Thác băng là những người đầu tiên đi qua thác băng nguy hiểm này. Họ tìm ra con đường an toàn nhất, đặt dây thừng và thang dọc đường để giúp mọi người di chuyển qua các vách đá và khe nứt.

Năm nay, Bác sĩ Thác băng liên tục gặp những mối nguy hiểm làm chậm quá trình thực hiện nhiệm vụ. Lượng tuyết rơi ít vào mùa đông và nhiệt độ cao khiến các tháp và cầu băng trở nên mất ổn định, buộc họ đánh giá lại tuyến đường nhiều lần. "Khi đi lên đó vào một thời điểm trong ngày và đi xuống vào ngày hôm sau, mọi thứ có thể trông rất khác", Mayewski nói.

Sự tan chảy nhanh chóng khiến các sông băng, ví dụ như sông băng Khumbu, co lại và xói mòn. Điều này mang đến nhiều hồ và suối hơn, nhưng cũng làm tăng nguy cơ tuyết lở, băng rơi và khe nứt trở nên nguy hiểm hơn.

"Có khả năng tình hình sẽ tệ hơn khi khí hậu ấm lên vì băng trở nên di động hơn. Trời càng ấm thì càng có nhiều nước chảy. Dòng nước chảy đó rõ ràng sẽ làm mất ổn định băng", Mayewski nói.

Nghiên cứu của Mayewski cho thấy các điều kiện đang thay đổi trên khắp đỉnh Everest, không chỉ riêng tại thác băng Khumbu. 1/3 băng tại South Col, sông băng cao nhất Everest, đã biến mất trong hai đến ba thập kỷ qua. "Kể cả khi chỉ đi dạo quanh khu Base Camp cũng có rất nhiều chỗ tan chảy", ông nói.

Tuy nhiên, Mayewski không cho rằng những rủi ro gia tăng do biến đổi khí hậu sẽ khiến việc leo đỉnh Everest trở nên bất khả thi vào một ngày nào đó. "Mọi người vẫn có thể leo núi chứ? Phải, tôi nghĩ họ vẫn sẽ làm. Vậy chuyện này có nguy hiểm hơn không? Có - nó đã rất nguy hiểm rồi", ông nói.

Cập nhật: 10/05/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video