Một tảng băng trôi lớn vừa tách ra khỏi Nam Cực và đang được theo dõi dựa trên dòng hải lưu và gió, để tránh phá vỡ các tuyến đường biển quốc tế.
>>> Phát hiện tảng băng trôi "khủng" ở Nam Cực
Tảng băng khổng lồ này mất 2 năm để tách ra từ sông băng Pine Island do một vết nứt khổng lồ được chương trình IceBridge của NASA phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2011.
Tảng băng có diện tích 720km2, tương đương diện tích quốc đảo Singapore, được phát hiện bởi vệ tinh TerraSAR-X, một vệ tinh quan sát Trái đất của Cơ quan vũ trụ Đức (DLR).
Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy một lượng nước khổng lồ đã chia cắt tảng băng với sông băng Pine Island. (Ảnh : NASA)
Theo các nhà khoa học, gió thổi mạnh cùng với sự nóng lên ở nam bán cầu đã đẩy mạnh việc tách rời của các tảng băng khỏi châu lục. Ông Grant Bigg, một nhà đại dương học tại đại học Sheffield ở Anh cho LiveScience biết các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy khoảng cách giữa tảng băng và sông băng đã lên đến vài km.
Khối băng khổng lồ này được dự đoán là ít gây nguy hiểm khi sẽ di chuyển từ tây Nam Cực đến eo biển Drake, gần mũi Cape Horn của Nam Mỹ.
Grant Bigg vừa nhận được một khoản viện trợ với mục đích theo dõi những tảng băng trôi để tránh phá vỡ các tuyến đường biển quốc tế. Ông và các đồng nghiệp có chương trình dự báo đường đi của những tảng băng trôi dựa trên dòng hải lưu và gió.
Các tảng băng trôi khổng lồ từ sông băng Pine Island thường vỡ thành nhiều mảnh. Ông Grant Bigg cho biết thêm việc theo dõi và đưa ra dự báo về các tảng băng lớn sẽ mang lại lợi ích cho nghành công nghiệp vận chuyển, đặc biệt là những con tàu lớn thường sử dụng vùng biển khu vực.
Hiện vài mẫu băng nhỏ đã tách ra ở phía tây của tảng băng trôi khổng lồ khi nó di chuyển trong vài ngày qua.