Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan đang nghiên cứu việc chuyển dòng cửa sông Loei, một nhánh của sông Mekong, để đưa nước đến các vùng nông nghiệp ở Đông Bắc nước này.
Cục trên đã tổ chức hội thảo để bàn về thiết kế của một hầm dẫn nước rất dài thuộc dự án quản lý nước Mekong-Loei-Chi-Mun.
Dự án này sẽ mang lại an ninh nước cho Thái Lan trong mùa khô và ngăn nước không chảy vào sông Mekong quá nhiều.
Khi hoàn thành, dự kiến 2 tỷ mét khối nước sẽ được chuyển dòng qua hầm dẫn mỗi năm, mang lại lợi ích cho 1,7 triệu hộ gia đình Thái Lan.
Khu vực cửa sông Loei. (Nguồn: ipernity.com).
Dự kiến, công tác nghiên cứu phải được hoàn tất vào 31/12 và quyết định cuối cùng có xây đập hay không sẽ được đưa ra vài tháng sau đó.
Các nhà hoạt động môi trường địa phương đã phản đối dự án trị giá hơn 2,8 tỷ USD này.
Họ lập luận rằng nếu chỉ dựa vào trọng lực không thể đưa nước chảy qua hầm, thêm vào đó, dự án sẽ gia tăng xâm nhập mặn trong khu vực.
Thay vào đó, họ đề xuất khôi phục các nguồn nước và xây thêm các hồ chứa.
Việt Nam, do nằm cuối nguồn sông Mekong, trong những năm gần đây đã phải gánh chịu hậu quả của việc các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan xây đập hoặc nắn dòng ở các vị trí cao hơn.
Ngay trong tháng 2, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, lên tới mức kỷ lục trong 100 năm qua.
Giới chuyên môn đã từng đưa ra đánh giá mang tính cảnh báo rằng do nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn, chưa thể lường trước từ các dự án thủy điện và đập ở thượng nguồn: bao gồm thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu; xâm nhập mặn nghiêm trọng; suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm xuống còn 7 triệu tấn/năm; tổn hại nguồn lợi thủy sản từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD/năm.