Trên khắp châu Á, mùng 1 tới sẽ là đêm đầu tiên trong số 2 đêm trăng tròn của tháng 6. Một số lịch và niên giám ghi chú rằng khi trăng tròn xuất hiện hai lần trong tháng, kỳ trăng thứ hai đó được gọi là "trăng xanh". Điều tương tự cũng xảy ra với những người đang sống ở châu Âu, Phi và Australia. Còn ở Bắc Mỹ, "trăng xanh" xảy ra sớm hơn, vào ngày 31 tháng 5.
Tất nhiên, trăng tròn trong kỳ thứ hai không có gì khác biệt so với bất cứ kỳ trăng tròn nào khác. Tuy nhiên, mặt trăng có thể thay đổi màu sắc trong những điều kiện nào đó.
Chẳng hạn, cháy rừng hay các vụ phun trào núi lửa thường làm cho bầu khí quyển đậm đặc tro bụi, khiến cho mặt trăng trông có vẻ hơi xanh, thậm chí đỏ tía. Người ta đã chứng kiến điều này khi khói bụi từ các đám cháy rừng ở miền Tây Canada xảy ra, tạo ra ánh trăng xanh trên khắp vùng Bắc Mỹ vào cuối tháng 9 năm 1950. Còn sau vụ phun trào của núi lửa Pinatubo ở Philippines vào tháng 6 năm 1991, có những báo cáo về mặt trăng xanh (thậm chí mặt trời xanh) trên khắp thế giới.
Trăng có thể "xanh" do bầu khí quyển nhiều khói bụi làm nhiễu hình (Ảnh. photogalaxy.com) |
Khái niệm "trong một kỳ trăng xanh" lần đầu tiên được ghi lại vào năm 1824 và ám chỉ sự kiện bất thường, mặc dù không thực sự hiếm. Tuy nhiên, hai kỳ trăng tròn trong một tháng không hiếm như người ta vẫn tưởng. Thực tế, nó xảy ra trung bình sau mỗi 32 tháng. Và năm 1999, hiện tượng này còn xuất hiện chỉ cách nhau 3 tháng!
Mãi đến năm 1999, người ta mới khám phá ra nguồn gốc của thuật ngữ "trăng xanh". Đó là thời kỳ từ 1932 đến 1957, trong cuốn Almanac Maine Farmers giải định rằng nếu một trong bốn mùa (đông, xuân, hạ hay thu) có 4 kỳ trăng tròn thay vì có 3 như thông lệ, thì kỳ trăng tròn thứ 3 sẽ được gọi là một "blue moon" hay "trăng xanh".
Nhưng nhờ một vài lỗi dịch thuật trong hướng dẫn này, giờ đây nó lại được hiểu thành kỳ trăng tròn thứ hai trong một tháng thì được định nghĩa là một "trăng xanh".
T. An