Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Thành cổ Acropolis tại Athens của Hy Lạp là Di sản văn hóa thế giới năm 1987.
Acropolis trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là thành phòng thủ. Tại Hy Lạp thời xưa, mỗi nơi đều có một acropolis kiên cố. Nếu địch quân tấn công, dân chúng sẽ tựu hợp trong acropolis để lánh nạn và được bảo vệ. Thế nhưng, Acropolis tại thành phố Athens nổi danh nhất thế giới, nên ngày nay, khi nhắc đến acropolis, người ta hiểu đó là Acropolis của Athens và tất cả những di tích xung quanh Acropolis đều được gọi dưới một cái tên chung là quần thể đền đài Acropolis hay thành cổ Acropolis.
Acropolis tại Athens nằm ở độ cao 150 mét so với mực nước biển, còn được gọi là Cecropia, theo vị vua đầu tiên của Athena (truyền thuyết là một người rắn).
Toàn cảnh khu di sản thành cổ - quần thể đền đài Acropolis
Thành cổ Acropolis, là nơi cho thế hệ hiện nay một cái nhìn toàn cảnh nhất về một thời vàng son của nền văn minh Hy Lạp. Năm 490 trước công nguyên, người Athens đã đặt những tảng đá đầu tiên làm nền móng thành Acropolis để tôn thờ vị thần hộ mệnh của thành phố - nữ thần Athena Parthenos. Nhưng 10 năm sau, kỳ công này đã bị người Ba Tư phá hủy. 30 năm sau đó, Pericles bắt tay vào cho xây dựng lại công trình với quy mô hoành tráng gấp nhiều lần so với công trình đầu tiên đã bị phá hủy.
Thành cổ Acropolis hay Quần thể đền đài Acropolis gồm nhiều công trình, trong đó tiêu biểu phải kể đến: Cổng Propylaea; đền Erechtheion; đền Athens Nike; đền Phathenon...Các công trình lớn nhỏ tại Acropolis đều được xây dựng với biểu tượng và phong cách kiến trúc Doric.
Cổng Propylaia
Nghĩa của từ Propylaia trong tiếng Hy Lạp là cổng vào. Cổng Propylaia được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng, đá cẩm thạch xám và đá vôi. Hai cánh phía Bắc và phía Nam của Acropolis vươn ra từ cổng vòm của tòa nhà trung tâm khiến nó trông giống như đang dang tay chào đón. Tòa nhà trung tâm bao gồm các khối đá cẩm thạch được chạm khắc tạo thành những ô lõm trên trần nhà, sơn màu xanh với vàng lóng lánh.
Cổng Propylaia được xây dựng bằng đá cẩm thạch xám và trắng
Đền Erechtheion
Đền Erechtheion là công trình mang đậm nét kiến trúc Hy Lạp. Công trình này được xây dựng theo kiểu mặt bằng không đối xứng, gồm 3 phần gần như độc lập với 3 mái nhà riêng biệt. Kiểu kiến trúc và cách xây dựng đã tạo nên một công trình kiến trúc vô cùng kỳ vĩ, ấn tượng. Đến nay đền Erechtheion vẫn được coi là một hiện tượng kỳ lạ của kiến trúc Hy Lạp và là một kiệt tác nghệ thuật.
Đền thờ Athena Nike
Đền thờ Athena Nike lại được xây dựng từ chất liệu là đá cẩm thạch, kích thước đền khá nhỏ nên dễ dàng đặt ở đầu mũi đá chênh vênh, vị trí ưa thích của nữ thần Athena.
Đền Parthenon
Đền Parthenon được coi là là công trình kiến trúc đẹp nhất của Hy Lạp cổ đại và cũng là công trình đẹp nhất trong lịch sử kiến trúc thế giới. Tất nhiên công trình này cũng là một kiệt tác nghệ thuật không chỉ của Hy Lạp mà của cả thế giới. Đền Parthenon được chia làm ba phần rõ rệt trong đó Pronaos là gian tiền sảnh; Naos là gian thờ, có chỗ để tượng nữ Thần Athena; và Opictodom có nghĩa là phòng để châu báu. Ngôi đền có hành lang cột bao quanh, hai mặt chính có tám cột, khác hoàn toàn với các kiến trúc Hy Lạp cổ đại khác thường có sáu cột. Dọc hai bên cạnh đền là mười bảy cột trụ. Đền Parthenon được xây dựng hoàn toàn từ đá cẩm thạch Pentelic có màu sắc tươi sáng, riêng mái nhà và trần nhà được chạm khắc từ gỗ Cypress có mùi thơm. Các cạnh của đền là những bức phù điêu miêu tả cuộc chiến đấu của người Athens với quân đội các nước khác hoặc với các vị thần. Những cột chống của đền được đặt thẳng xuống nền nhà mà không có chân cột. Trên các tấm này là hệ thống móng nước nhô ra, với ống thoát nước mưa hình đầu sư tử.
Đền Parthenon đươc coi như biểu tượng của Hy Lạp và là công trình kiến trúc tuyệt tác của thế giới Hy Lạp cổ đại.
Kiến trúc đền Parthenon khá đặc biệt với chiều rộng khác thường nhằm tạo không gian lớn cho bức tượng nữ thần Athena. Bức tượng thần Athena được chế tác từ vàng và ngà voi do kiến trúc sư tài danh Phidias thực hiện. Đáng tiếc là bức tượng tuyệt tác nghệ thuật này hiện nay đã không còn nữa. Tuy nhiên những hình chạm khắc trên các cột và các bức tường của đền cũng vô cùng ấn tượng và đều có thể coi là chuẩn mực của nghệ thuật chạm khắc. Ở cạnh phía đông của đền là những hình chạm khắc về cuộc chiến huyền thoại của các vị thần với người khổng lồ. Phía nam của đền là cuộc chiến của vua tôi người Lafrithes và dũng sĩ These trong cuộc đương đầu với bọn nhân mã. Phía bắc của đèn là hình ảnh cuộc chiến thành Troy huyền thoại.
Ngoài ra trong thành cổ Acropolis còn có những công trình kiến trúc khác như Nhà hát Dionysos – Nhà hát cổ xưa nhất hiện ở Hy Lạp cổ đại; Nhà hát Odeon và Cổng vòm Eumen...
Hiện nay di sản văn hóa thành cổ Acropolis không chỉ là một công trình kiến trúc nổi tiếng tại Hy Lạp mà là công trình kiến trúc được cả thế giới ngưỡng mộ và là biểu tượng của Hy Lạp cổ đại.
Những tác phẩm trạm khắc trên cột, mái của đền Parthenon