Chuyện mua bán hàng và thanh toán qua mạng ngày nay đã trở thành giao dịch không thể thiếu trên thương trường thương mại điện tử nhưng tại VN hiện doanh nghiệp (DN) vẫn không thể tham gia vào sân chơi này.
Thiệt hại từ việc không thể thanh toán qua mạng vừa ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của DN, vừa gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia.
DN thiệt thòi
Tại VN đã xuất hiện khá nhiều trang web bán hàng qua mạng nhưng hoạt động vẫn ách tắc vì không có tài khoản bán hàng, khó giao dịch với khách nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Sa |
Hiện nay, người VN muốn bán hàng qua mạng không thể đứng ra xin mở Tài khoản bán hàng - TKBH (Merchant Account). Chị Nguyễn Thùy Vũ, Giám đốc Công ty Trực Tuyến (sở hữu trang web bán hàng qua mạng thegioihoatuoi.com) cho hay: “Nhu cầu thanh toán qua mạng của DN VN hiện là rất lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta muốn mở rộng tầm giao dịch ra toàn cầu thế nhưng DN VN lại không thể mở TKBH để thực hiện giao dịch với khách hàng một cách thuận lợi nhất. Chúng tôi đã từng bị mất nhiều khách hàng nước ngoài chỉ vì không có Merchant Account”.
Quy trình thanh toán qua mạng |
1. Khách hàng vào trang web bán hàng trên mạng đặt mua và khai báo thông tin trên thẻ tín dụng. 2. Thông tin của khách hàng được chuyển thẳng đến ngân hàng của người bán nếu người bán có TKBH (Merchant Account), nếu không thì thông tin này được chuyển đến bên thứ 3 (Third Party) là nhà cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán qua mạng mà người bán đã đăng ký dùng dịch vụ. Thông tin của khách hàng không lưu trên máy chủ của người bán. Như vậy sẽ hạn chế tin tặc (hacker) đánh cắp thông tin thẻ tín dụng. 3. Ngân hàng của người bán hoặc của bên thứ 3 sẽ kiểm tra tính hợp lệ thông tin thẻ tín dụng của khách hàng thông qua Giao dịch điện tử An Toàn (Secure Electronic Transaction). Quá trình này diễn ra chỉ mất vài giây. 4. Ngân hàng phát hành thẻ sẽ phản hồi cho ngân hàng yêu cầu kiểm tra tính hợp lệ của thẻ (thông tin đã được mã hóa). 5. Sau đó thông tin này được giải mã để gửi về cho người bán. 6. Người bán dựa trên thông tin này quyết định bán hoặc không và gởi email thông báo cho khách hàng biết rõ đơn hàng của họ có được chấp nhận và xử lý hay không. 7. Doanh nghiệp bán hàng gửi hoá đơn thanh toán đến cho người mua và giao hàng. (Theo vitanco.com) |
Cũng theo ông Hải, việc DN VN chưa thể mở TKBH nằm ngoài khả năng giải quyết của Vụ Thương mại điện tử. “Đây là vấn đề của ngân hàng, bản thân tôi cũng mong muốn phía Ngân hàng Nhà nước sớm có quyết định để DN VN có thể tham gia vào thương trường quốc tế dễ dàng. Trở ngại này không chỉ gây thiệt thòi cho DN mà còn làm chậm lại nhịp độ phát triển của ngành thương mại điện tử VN” - ông Hải cho biết thêm.
Theo lời khuyên của ông Hải, trong bối cảnh DN tạm thời chưa thể mở TKBH thì DN có thể chọn phương thức khác thay thế như tìm dịch vụ (bên thứ 3 - Third Party). Song theo nhiều DN đang kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử thì ngay cả việc dùng dịch vụ bên thứ 3 cũng chưa ổn.
Không có sự lựa chọn
Một số DN chọn giải pháp nhờ người thân, bạn bè ở Mỹ, Thái Lan hoặc một số nước khác mở TKBH để đáp ứng nhu cầu thanh toán quốc tế của khách hàng. “Chọn cách này thì rủi ro và phiền toái cho người mở tài khoản dùm chẳng hạn như họ phải kê khai thu nhập để đóng thuế cho quốc gia họ đang sinh sống, thông tin cá nhân bị tiết lộ trên mạng cũng là điều bất lợi cho họ” - Anh Alain Nguyễn, một người hoạt động trong lĩnh vực trực tuyến cho hay.
Cũng có những DN phải chọn cách dùng nhà cung cấp dịch vụ thứ 3 như PayPal, WorldPay, 2checkout… Điều đáng nói là PayPal , WorldPay, Google Checkout và một số tổ chức uy tín khác đã thẳng thừng từ chối những người bán hàng VN.
Chỉ có số ít chịu “mở cửa” cho DN VN như 2checkout, chấp nhận thì chấp nhận nhưng 2checkout không có hỗ trợ tiếng Việt, không hỗ trợ kỹ thuật (do vậy chỉ có khách hàng là nhân viên kỹ thuật chuyên lập trình web, giỏi tiếng Anh thì mới có thể thực hiện giao dịch được với tổ chức này).
Chị Thùy Vũ cho biết thêm: “Khi không mở được TKBH tôi phải chọn 2checkout, thời gian đăng ký mất gần 1 tháng và chi phí mất khoảng 50 USD xong đến nay công ty tôi vẫn chưa sử dụng được dịch vụ này. Ban đầu tôi cứ tưởng họ nhận tiền xong sẽ hỗ trợ để DN kết nối thanh toán trên trang web của mình nhưng sau khi thu tiền họ chẳng quan tâm xem mình có sử dụng được hay không. Dịch vụ hỗ trợ thì chỉ có những câu hỏi và trả lời thường xuyên bằng tiếng Anh dài lên đến cả trăm trang, email cho họ thì chẳng thấy trả lời. Chưa kể nếu có dùng được dịch vụ thì cũng tiếp tục tốn phí hoa hồng và phải tuân theo những điều khoản rắc rối, chỉ có lợi cho họ”.
Được biết, có khá nhiều DN bán hàng không hài lòng khi dùng dịch vụ bên thứ 3 bởi các DN bên thứ 3 không quan tâm đến quyền lợi của DN. Cụ thể là khi có khách hàng đặt mua hàng trên website nhưng sau đó đổi ý không mua nữa dẫn đến giao dịch không thành thì người bán chẳng bán được gì mà phải mất phí giao dịch cho bên thứ 3.
Thanh toán qua mạng tại VN: Bao giờ?
Quy trình xử lý thanh toán trực tuyến (Nguồn Richard Jewson. E-Payments: Credit Cards on the Internet) |
Chúng tôi đã liên lạc nhiều lần với Cục Công nghệ tin học Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) để tìm hiểu nguyên nhân vì sao cho đến thời điểm này Ngân hàng vẫn chưa thể giúp DN VN mở TKBH nhưng không thể gặp được các lãnh đạo Cục (Cục trưởng, Cục phó), còn các nhân viên cấp dưới thì không thể trả lời.
Trong môi trường làm ăn cạnh tranh như hiện nay DN rất cần có những công cụ giao dịch hiệu quả hỗ trợ việc kinh doanh như thanh toán qua mạng, trong khi đó DN lại không thể chủ động hoạt động trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý hơn, nếu không có biện pháp quản lý Nhà nước có thể bị thất thu thuế tiền tỷ nếu DN chọn giải pháp nhờ người trung gian mở tài khoản ở nước ngoài. Ngoài ra, khai thông thương trường thương mại điện tử cũng là cách khẳng định vị thế của thương hiệu VN, hòa mình vào sân chơi toàn cầu.
Nguyễn Sa