Các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã bất ngờ thu được hình ảnh của một động vật giáp xác sống tại môi trường nước nằm sâu 180 mét dưới lớp băng tại Nam Cực, nơi không có ánh sáng Mặt Trời.
Nhóm nghiên cứu cũng nhìn thấy một vật thể giống xúc tu của một con sứa với chiều dài cơ thể khoảng 30cm.
Những phát hiện này làm đảo ngược giả thuyết lâu nay rằng một môi trường ở điều kiện khắc nghiệt như trên khó có thể tồn tại sự sống, ngay cả đối với các loài vi sinh vật.
Ông Robert Bindschadler, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết sinh vật trên được tình cờ phát hiện khi nhóm nghiên cứu của ông đưa một camera xuyên qua lớp băng dầy nhằm quan sát lớp nước ở bên dưới, nhưng chính các nhà khoa học trước đó cũng cho rằng sẽ chẳng tìm thấy gì ở độ sâu trên.
Địa điểm của khám phá mới này nằm tại phía tây của lục địa Nam Cực và cách bờ biển khoảng 20km.
Nhóm nghiên cứu đã loại bỏ khả năng sinh vật trên di cư từ biển vào địa điểm này với khẳng định một động vật giáp xác với kích cỡ trên không thể vượt qua chặng đường quá xa này bằng cách luồn lách dưới lớp băng dầy.
Ông Bindschadler nhận định cơ chế sinh học nào cho phép động vật giáp xác tồn tại trong môi trường sống khắc nghiệt trên và đâu là nguồn thức ăn của chúng vẫn còn là bí ẩn.
Nhà khoa học này cũng thông báo chi tiết của đoạn băng video quý giá trên sẽ được trình bày trong hội nghị thường niên của Hội Địa Vật lý Mỹ./.