Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất thế giới từ năm 1990 tới nay.
Diện tích rừng tại các khu vực trên thế giới. (Ảnh: Open Street Map)
Theo Telegraph, thế giới đã mất đi diện tích rừng tương đương 1.000 sân bóng đá mỗi giờ trong 25 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo vấn nạn phá rừng là một vấn đề lớn đối với thế giới do tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt nhanh chóng.
Sau ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay, một nghiên cứu cho biết ước tính hiện còn 3.000 tỷ cây xanh trên Trái Đất. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, Trái Đất đã mất 1,3 triệu km2 rừng từ năm 1990 tới nay, lớn hơn diện tích quốc gia Nam Phi.
Trong khi vùng Trung Đông và Bắc Phi có tỷ lệ gia tăng diện tích rừng lớn nhất từ năm 1990 đến 2015, thì khu vực Mỹ Latin, Caribe và tiểu vùng Sahara châu Phi mất nhiều diện tích rừng nhất, mỗi khu vực giảm 10%.
Khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất, 970.000 km2 từ năm 1990 đến 2015. Vùng này có diện tích rừng lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 1/4 tổng diện tích rừng toàn cầu.
Đến năm 2012, hơn 14% diện tích đất trên thế giới được các quốc gia bảo vệ. Mỹ Latin và khu vực Caribe dẫn đầu tỷ lệ này, với 21,2% tổng diện tích đất được bảo vệ.
"Rừng đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống đói nghèo ở nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và tạo công ăn việc làm. Và rừng cung cấp các dịch vụ môi trường quan trọng như nước và không khí sạch, bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu", José Graziano da Silva, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết.
"Hướng thay đổi đang tích cực, nhưng con người cần làm tốt hơn. Thế giới sẽ không giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững nếu không bảo vệ rừng và sử dụng nhiều nguồn tài nguyên bền vững mà rừng mang lại", ông Graziano nhấn mạnh.