Khoảng 1/3 trong tổng số các loài động vật lưỡng cư vẫn chưa được phát hiện, theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Princeton (Mỹ).
Ảnh chụp một con ếch cây Đài Bắc đang leo trên một chiếc lá tháng 7/2010. Ảnh: Reuters.
Trong báo cáo mới công bố, các nhà khoa học của trường Đại học Princeton ước tính, 3.050 loài động vật lưỡng cư, bao gồm ếch, cóc, kỳ nhông và sa giông, vẫn chưa được phát hiện. Theo hãng thông tấn Reuters, cho tới nay, khoa học mới biết đến 6.296 loài động vật lưỡng cư.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phỏng đoán, ít nhất 160 loài động vật có vú sống trên cạn chưa được phát hiện, chiếm khoảng 3% so với tổng số 5.398 loài động vật có vú từ voi cho đến chuột đã được biết đến.
“Phần lớn những loài động vật mới được phát hiện trong các khu rừng nhiệt đới. Những khu vực này chủ yếu tập trung ở Amazon, vịnh Congo và đảo Papua”, tiến sĩ Xingli Giam, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu ước tính số lượng các loài động vật chưa được phát hiện dựa trên những yếu tố bao gồm tốc độ phát hiện những loài động vật mới từ trước tới này và diện tích các khu rừng chưa được khám phá. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, nhiều loài động vật có thể sẽ tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện. Lí do là vì, những động vật mới được biết đến trong những năm gần đây có xu hướng ngày càng hiếm hơn và chỉ sống trong một phạm vi nhỏ.
Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, hành động phá hoại môi trường sống của con người như, chặt phá rừng để trồng cây nông nghiệp và xây dựng nhà cửa, hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, … đang đe dọa sự đa dạng sinh học.