Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc nhận định số thẻ tre khai quật từ mộ vua Lưu Hạ có thể là cuốn "Tề luận" thất truyền 1.800 năm trước.
Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Văn vật Khảo cổ tỉnh Giang Tây, Trung Quốc nhận định số thẻ tre khai quật từ mộ vua Lưu Hạ, cháu trai Hán Vũ Đế, có thể là cuốn "Tề luận" thất truyền, Sina hôm 13/1 đưa tin.
Thẻ tre khai quật từ mộ vua Lưu Hạ có thể là cuốn "Tề luận" thất truyền 1.800 năm. (Ảnh: Sina).
Xương Ấp Vương Lưu Hạ (năm 92 –59 trước Công nguyên) là vị hoàng đế thứ 9 của nhà Hán. Ông lên ngôi vào năm 74 trước Công nguyên và chỉ tại vị 27 ngày.
"Sau khi sử dụng phương pháp quét hồng ngoại, chúng tôi cho rằng cuốn sách thẻ tre khai quật từ mộ vua Lưu Hạ là cuốn "Tề luận "bị thất truyền 1.800 năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải kiểm tra kỹ hơn để xác định nội dung trên thẻ tre", một chuyên gia chia sẻ.
Các chuyên gia sẽ phải kiểm tra thêm để xác định nội dung ghi trên thẻ tre. (Ảnh: Sina).
"Tề luận" là một phiên bản của "Luận ngữ", cuốn sách do Khổng Tử và các học trò biên soạn. Nó ghi lại bài giảng của Khổng Tử, thể hiện tư tưởng chính trị, quan niệm đạo đức và nguyên tắc giáo dục của ông. Đây là một tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, thuộc bộ "Tứ thư".
"Luận ngữ" cổ đại có ba phiên bản, gồm "Cổ luận", "Lỗ luận" và "Tề luận". Phiên bản được lưu truyền ngày nay là tổng hợp của "Lỗ luận" và "Cổ luận". "Tề luận" đã bị thất truyền từ thời nhà Ngụy (năm 220-226).