Homo floresiensis, tên gọi của giống người này, có chiều cao không quá 1 mét, và sống cách đây 18.000 năm. Mới đây, người ta đã tìm ra thêm những mảnh xương của ít nhất 9 cá thể "tí hon" như thế.
Khám phá mới bao gồm những phần xương chưa tìm thấy của bộ xương cũ (LB1, theo tên hang Liang Bua nơi đào được mẫu vật), và một loạt các xương mới, như hàm và mảnh sọ, một xương sống, xương cánh tay, chân và ngón tay.
Trưởng nhóm Michael Morwood, từ Đại học New England, Armidale, Australia, cho biết các mẫu vật đã giúp xây dựng một bức tranh đầy đủ hơn về LB1, và bổ sung bằng cứ về thói quen đánh lửa và săn bắt của giống người bé nhỏ này.
Nhóm nghiên cứu cho biết giờ đây họ bị thuyết phục hơn bao giờ hết rằng Homo floresiensis đại điện cho một loài riêng biệt, chứ không phải là cá thể người (Homo sapiens) bị dị tật nào đó như phỏng đoán của một số chuyên gia hoài nghi.
"Phát hiện củng cố thêm rằng LB1 không phải là một sinh vật dị thường hay bệnh tật, mà là đại diện cho một quần thể lâu đời", nhóm nghiên cứu viết.
Chân dung người tí hon Homo floresiensis, chỉ cao 1 mét và có nhiều đặc điểm nguyên thuỷ. |
Daniel Lieberman, từ đại học Harvard, Mỹ, cho biết những khám phá tiếp theo trên hòn đảo này sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề.
"Nếu giả thuyết đảo lùn là chính xác, thì những cư dân sớm nhất của Flores phải lớn hơn các hóa thạch trong hang Liang Bua, và nếu hiện tượng lùn hóa xảy ra từ từ, có thể chúng ta sẽ bắt gặp những hóa thạch có kích cỡ trung gian giữa Homo floresiensis và tổ tiên của chúng".