Đeo kính không phải là cách duy nhất khiến bạn trở nên thông minh hơn trong mắt người khác. Việc điều chỉnh các biểu cảm trên khuôn mặt dường như là sự thay thế tuyệt vời hơn rất nhiều.
Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi nhà tâm lý học St. Andrews cho thấy rằng các biểu cảm trên khuôn mặt có thể tác động tới việc người khác có đánh giá bạn là người thông minh hay không. Nếu khuôn mặt có những biểu hiện cho thấy bạn rất tỉnh táo và có chút vui sướng thì nhiều khả năng, họ sẽ cảm thấy bạn là người hiểu biết. Điều này cũng đã được chứng minh qua 4 thử nghiệm sau đó.
Các nhà nghiên cứu mời 100 người da trắng trưởng thành trong độ tuổi 18 đến 33 và 90 đứa trẻ trong độ tuổi 5 đến 17 tuổi tham gia một trò chơi quan sát hình ảnh khuôn mặt của 500 người để xem thử sự thay đổi về tâm trạng cũng như dấu hiệu mệt mỏi sẽ tác động tới cảm nhận độ thông minh của họ đối với người khác như thế nào. Trong một vài bức ảnh, các khuôn mặt rất "vô cảm", dường như không biểu hiện bất cứ cảm xúc nào và một số khác đã được điều chỉnh như thay đổi độ cong của môi và độ mở của mi mắt.
Hiển nhiên, khuôn mặt của bạn trông như thế nào và điều bạn đang nghĩ trong đầu ít tác động tới người khác nhưng ở một phương diện nào dó, chúng ta đều có những phản ứng nhất định. Chẳng hạn như những người sở hữu ngoại hình đẹp thường được đánh giá thông minh hơn hay cặp kính cận cũng khiến bạn trông hiểu biết hơn trong mắt người khác.
Vậy làm thế nào để trông vẫn thông minh khi bạn không bị cận và ngoại hình cũng không như ý muốn?
7 bí kíp giúp bạn giả vờ thông minh hiệu quả
Không một ai thích bị chê là kém thông minh so với những người bên cạnh. Thậm chí là trong gia đình, bạn cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi bị mẹ đánh giá là suy nghĩ chậm chạp so với cô em gái.
Tuy nhiên, 7 cách không tưởng sau đây sẽ giúp bạn lấy lại vị trí của mình và nhanh chóng khiến người khác phải thán phục. Hãy thử áp dụng và đánh giá hiệu quả của chúng xem nhé.
Lưu ý: Bạn không nên quá lạm dụng 7 bí quyết này. Thay vào đó, hãy cố gắng rèn luyện bản thân để cải thiện trí thông minh và tăng cường vốn hiểu biết. Nếu không, một khi đã bị mọi người nhận ra sự thật thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn đấy.
1. Sử dụng ngôn từ phức tạp
Việc sử dụng ngôn từ phức tạp sẽ khiến người khác cảm thấy bạn là một chuyên gia và nhầm tưởng rằng bạn là một con người "đầy chữ". Lúc này, thay vì là bạn, đối phương sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé và "ước gì được như anh/cô ấy".
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc phô diễn quá mức các từ ngữ quá phức tạp, đôi khi sẽ dẫn tới việc bạn sử dụng sai nghĩa hoặc không đúng hoàn cảnh. Đó là chưa kể, có người còn cho rằng bạn "trí thức giả" hoặc "thích thể hiện".
2. Tham gia thảo luận gần như tất cả mọi thứ
Việc tham gia vào tất cả các buổi trò chuyện, thảo luận hay nêu quan điểm cá nhân về mọi vấn đề bạn gặp là một cách rất hay khiến bạn bỗng chốc cuốn hút tất cả những người xung quanh. Nếu là đàn ông, chắc chắn mọi cô gái sẽ "đổ ập" về phía bạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, không phải lúc nào cũng cần nêu quan điểm cá nhân hoặc cố tỏ ra là người hiểu biết. Việc thừa nhận bạn không hiểu một vấn đề gì đó cũng là một cách ứng xử rất thông minh, đặc biệt là tại nơi làm việc.
3. Không nói bất cứ thứ gì
Một quan niệm cũ cho rằng "Bạn nói càng ít, mọi người càng nghĩ bạn thông minh". Bởi vì "im lặng là vàng" nên chiến thuật chỉ-lắng-nghe cũng là một cách giúp bạn thể hiện phong độ trước ai đó.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý đến quan niệm mới rằng nếu chỉ im lặng và nói không với mọi thứ xung quanh thì mọi người hoàn toàn có lý do để cho rằng bạn là người "chẳng biết gì", thiếu tự tin, không tập trung vào câu chuyện hoặc nghiêm trọng hơn là có vấn đề về tâm lý.
4. Mang thật nhiều sách đến "trưng bày" tại văn phòng
Một vài người nghĩ rằng họ có thể chứng minh tầm hiểu biết của mình bằng cách mang toàn bộ số sách hiện có ở nhà đến "trưng bày" tại văn phòng. Thậm chí, để bổ sung vào giá sách này, nhiều người còn mua thêm rất nhiều sách mới, với các đầu sách hot, chuyên ngành và tính hàn lâm rất cao. Theo nhà nghiên cứu Martin Thoma thì chắc chắn rằng mọi người đều biết họ chưa bao giờ đọc hết chúng.
5. Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong lời nói
Một quan niệm vô cùng phổ biến, đó là, chúng ta cho rằng ai biết ngoại ngữ sẽ rất giỏi, thông minh và nhiều hiểu biết. Tuy nhiên, việc trộn lẫn ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ nước ngoài một cách lộn xộn, bừa bãi hay không đúng ngữ cảnh có thể khiến bạn bị "ném đá" đấy.
6. Đề cập đến con số và các biểu đồ
"Xăng đang tăng đấy. Theo như tôi nhớ thì tháng trước xăng tăng X đồng, cùng kỳ năm trước xăng chỉ có Y đồng, thế mà qua 1 năm đã tăng lên Z %. So với Thái Lan, xăng nước mình gấp A lần....". Chắc chắn là bạn sẽ khiến đối phương phải thán phục vì tài ghi nhớ các con số và tầm hiểu biết. Thế nhưng, nếu gặp phải một người giỏi hơn hoặc định kiến thì không có gì khó hiểu khi bạn được liệt kê vào danh sách những người "thích thể hiện".
7. Đề cập đến số lượng sách bạn đã đọc
Nếu không thể mang toàn bộ số sách đến văn phòng thì hãy cố gắng đề cập tới số đầu sách và những cuốn sách nổi tiếng bạn đã đọc. Tuy nhiên, điều này sẽ phản tác dụng nếu bạn chỉ đọc mà không thấm nhuần tư tưởng của cuốn sách và không áp dụng vào cuộc sống.
Trên đây là 7 cách rất đơn giản giúp bạn dễ dàng gây ấn tượng và cuốn hút mọi người xung quanh. Tuy nhiên, rủi ro của những phương pháp này cũng rất lớn. Điều tốt nhất chính là bạn cần thường xuyên trau đồi và nâng cao vốn hiểu biết thực sự của mình.