Thị trấn Kabwe - Nơi độc hại nhất thế giới

Chính việc khai mỏ, luyện kim suốt 1 thập kỷ qua đã biến thị trấn Kabwe trở thành nơi độc hại nhất thế giới.

Ô nhiễm không khí đang là 1 trong những vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay. Với sự xuất hiện ngày 1 nhiều của nhà cao tầng, khu công nghiệp hay các phương tiện đi lại, nó lại càng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Khi được hỏi, thành phố nào là độc hại nhất thế giới? Bạn sẽ trả lời ra sao? Bạn cho rằng đó là Bắc Kinh bởi những làn khói bụi dày đặc, rác thải tràn ngập? Nhưng không, chính thị trấn Kabwe, Zambia - ở miền Trung châu Phi mới là địa điểm "độc hại" nhất thế giới.

Đây chính là hậu quả tai hại sau một thập kỷ họ khai mỏ và luyện kim ở khu vực này.

Sự nghèo đói khiến người dân nơi đây không còn lựa chọn nào khác

Theo các chuyên gia về môi trường, Kabwe là thị trấn bị nhiễm độc nặng nề nhất thế giới. Chất chì độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ và các cơ quan khác trên cơ thể nhiều thế hệ trẻ em ở đây. Điều đáng buồn là tình trạng này vẫn đang tiếp diễn từng ngày.


Nồng độ chì ở Kabwe gấp 100 lần mức an toàn.

Nhiều nguy cơ mới lại hiển hiện khi một vài người dân nghèo khổ cùng cực vẫn không ngừng đào xới trong đống đổ nát khổng lồ, có tên gọi là Núi Đen.

Trên ngọn Núi Đen, những người đàn ông với quần áo rách rưới, chân trần đào chì từ đống xỉ lớn trong các đường hầm dài và không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Họ đào bằng các dụng cụ cầm tay và chỉ thắp sáng bằng nến.


Những thợ khai mỏ bất hợp pháp đang đào xới tại Núi Đen bất chấp nguy cơ phơi nhiễm chì ở mức rất cao.

Ở những khu vực khác của bãi rác thải, bên ngoài một bức tường chắn gió dài, được bao phủ bởi những biển báo "Tránh xa khu vực nguy hiểm này!", mọi người ngồi trong các hang đá bụi bặm để bán vật liệu xây dựng.

Anh Provost Musonda, cha của ba đứa trẻ kiếm được 80 kwacha/ngày (khoảng 8,5 USD/ngày). Tuy vậy, cơn đau ngực đã khiến ông không thể tiếp tục làm việc. “Nếu tôi có thể tìm được công việc khác, tôi sẽ đi nhưng tôi không có cách nào để duy trì cuộc sống của mình”.


Phụ nữ và trẻ em chặt nhỏ đá để bán tại khu vực bị phơi nhiễm chì gần khu vực khai mỏ trước đây.

Tại một điểm khác, cô gái trẻ tên là Debola Kunda đang làm việc vất vả với sự phụ giúp của hai đứa con. Khói bụi bốc cháy với ánh kim lấp lánh của galena - chì sunfua tinh khiết và đất ngay bên cạnh đứa con 4 tuổi của cô, Acili có nồng độ chì là 37.900 ppm - vượt 100 lần mức nguy hiểm.

Cô lo ngại về sức khoẻ của các con. Chúng không được xét nghiệm máu xem liệu chúng có bị phơi nhiễm chì hay không. “Nhưng lũ trẻ có thể làm gì khi không ai chăm sóc chúng? Chúng sẽ ăn thế nào nếu chúng ở nhà?".

...và sự thật phũ phàng về độ "độc hại" nơi đây

Giáo sư Jack Caravanos, một chuyên gia về sức khoẻ môi trường tại Trường Đại học New York đã cho hay: "Trong số khoảng 20 địa điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất trên thế giới về mức độ phơi nhiễm chì, thủy ngân và crom, thành phố Kabwe là nơi đáng lo ngại nhất. Hàng ngàn chứ không phải hàng trăm người dân ở những vùng khác cũng đang chịu "vạ lây" từ tình trạng ô nhiễm ở đây".

Khói từ nhà máy luyện kim khổng lồ (đã đóng cửa vào năm 1994) đã phủ một lớp bụi chứa nồng độ chì đặc biệt cao lên đất đai khu vực xung quanh.

Caravanos sử dụng một máy dò tìm bằng tay để đo nồng độ chì trên Núi Đen. Chỉ số đo được ở đây cao đến mức báo động, từ 30.000 đến 60.000 ppm.

Đây là một chất độc cực mạnh làm tổn thương thần kinh và có thể gây nguy hại trầm trọng cho trẻ em.

Một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng, tất cả 246 trẻ em được xét nghiệm ngẫu nhiên ở đây đều có nồng độ chì trong máu trên 45 microgam/đêxilit máu, cao hơn giới hạn an toàn 5 microgam/đêxilit máu.


Trẻ em chơi nắp trai nước giải khát trên nền đất nhiễm chì tại thị trấn Kabwe.

Điều này dẫn đến tổn thương não, gan, thính giác. 8 đứa trẻ có nồng độ chì trên 150 microgram/đêxilit máu, ở cấp độ này, nguy cơ tử vong rất dễ xảy ra.

Những đứa trẻ, bé sơ sinh bắt đầu biết chơi thường đưa tay vào miệng sẽ là đối tượng bị nhiễm độc nặng nhất.

Mặc dù người lớn đã ý thức hơn trong việc rửa sạch tay cho bé nhưng chất chì sẽ vẫn tồn tại trong cơ thể những người bị nhiễm cho đến cuối đời.

Caravanos nhận định: tác hại của chất chì rất nguy hiểm, chúng có thể gây tổn thương não, bại liệt cho người bị nhiễm và cuối cùng là tử vong.

Những động thái để giúp Kabwe thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này

Chì độc hại ra sao thì đã biết nhưng ta cần đánh giá đúng hậu quả nghiêm trọng của hợp chất này cũng như đưa ra phương án để giúp Kabwe.

Đầu tiên là cần thực hiện những xét nghiệm để biết được chính xác hàm lượng chì có trong cơ thể mỗi người, đặc biệt là trẻ em để lên phương án điều trị.


Tích cực làm sạch không khí để bảo vệ sức khoẻ của trẻ em, các nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta.

Cùng với đó, các lò luyện kim, đất nhiễm chì cần được phải loại bỏ. Vào năm 2015, nhờ nguồn tài trợ của Terre des Hommes (Đức) - tổ chức Môi trường châu Phi và Trái đất trong sạch đã huy động cộng đồng thay đất nhiễm chì bằng đất sạch ở 120 ngôi nhà.


Trẻ em bị phơi nhiễm chì thường không nhanh nhẹn như các trẻ bình thường khác.

"Đây chỉ là giọt nước trong đại dương, nhưng chúng tôi cảm thấy vui vì chúng tôi đã giải quyết được những ngôi nhà bị phơi nhiễm nặng nề nhất" - ông Namo Chuma - Giám đốc tổ chức Môi trường Châu Phi ở Zambia nói.

Paul Mukula, Giám đốc Trung tâm sức khoẻ Cộng đồng tại Hội đồng Municipal Kabwe cho biết: “Chính phủ đang rất quan ngại trước sức khoẻ của người dân. Một quỹ trị giá 16 triệu kwacha (khoảng 1,7 triệu USD) sẽ dành cho việc dọn sạch chất ô nhiễm ở Kabwe, cung cấp các liệu pháp điều trị ma tuý và sửa chữa kênh đào bị tắc nghẽn".

Caravanos, cố vấn khoa học cấp cao cho tổ chức Pure Earth nói, giải pháp cho tình trạng nhiễm độc ở Kabwe hiện đã rõ: “Chúng ta có kiến thức – chúng ta phải đưa trẻ em ra khỏi khu vực phơi nhiễm. Trong tương lai, Kabwe có thể không hoàn toàn sạch chì nhưng thị trấn đó có thể là nơi an toàn và nồng độ chì ở đây được kiểm soát trong phạm vi cho phép".

Cập nhật: 05/06/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video