Kết quả nghiên cứu mới tiết lộ thiên hà MACS1149-JD1 có thể được hình thành sau vụ nổ Big Bang chỉ khoảng 500 triệu năm ánh sáng.
Các nhà vũ trụ học tại Đại học College London hôm qua công bố ảnh chụp phóng to và những phát hiện mới về thiên hà MACS1149-JD1, thiên hà xa nhất từng được phát hiện từ trước tới nay và là một trong những thiên hà đầu tiên của vũ trụ, AFP đưa tin.
Hình ảnh phóng to của thiên hà MACS1149-JD1 được chụp bởi hai kính thiên văn VLT và Hubble. (Ảnh: ESO/NASA).
Dựa vào dữ liệu từ hệ thống kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới (ALMA) và kính thiên văn rất lớn (VLT) - một tổ hợp kính thiên văn quang học của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ châu Âu tại Nam bán cầu (ESO), nhóm nghiên cứu đã tiến gần hơn bao giờ hết tới "bình minh vũ trụ" - sự hình thành của những thiên hà đầu tiên sau vụ nổ Big Bang.
Bằng cách sử dụng phép đo redshift (phép đo khoảng cách của thiên hà nhờ sự dịch chuyển của ánh sáng về phía đỏ trên quang phổ của chúng), các nhà khoa học đã xác định được ánh sáng từ thiên hà MACS1149-JD1 cách Trái Đất khoảng 13,28 tỷ năm ánh sáng. Điều này đồng nghĩa rằng nhóm nghiên cứu đang quan sát một trong những thiên hà lâu đời nhất, được hình thành sau vụ nổ Big Bang chỉ khoảng 500 triệu năm ánh sáng.
Theo Space, nhóm nghiên cứu còn sử dụng dữ liệu hồng ngoại từ kính thiên văn vũ trụ Hubble và kính viễn vọng vũ trụ Spitzer của NASA để quan sát và nghiên cứu độ sáng của MACS1149-JD1. Sự hình thành sao của thiên hà cổ này tiết lộ một số ngôi sao thậm chí được hình thành sớm hơn nhiều, khoảng 250 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Một phát hiện quan trọng khác được các nhà khoa học công bố là sự hiện diện của oxy trong các đám mây khí của thiên hà. "Oxy chỉ được tạo ra từ ngôi sao và sau đó được phóng thích vào các đám mây khí trong thiên hà khi ngôi sao đó chết đi. Vì vậy, sự hiện diện của oxy bên trong thiên hà MACS1149-JD1 cho thấy một hoặc nhiều thế hệ sao từng hình thành và chết đi trước đó", Nicolas Laporte từ Đại học College London, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.