Thiên thạch có thể mang sự sống đầu tiên tới Trái Đất

Bảo tàng lịch sử tự nhiên London triển lãm mảnh vụn sao chổi Ivuna niên đại 4,6 tỷ năm, có lẽ đã mang những yếu tố nền móng cho sự sống đầu tiên xuống Trái Đất.

Thiên thạch có thể là khởi nguồn của sự sống trên Trái đất

Theo The Guardian, hôm nay là lần đầu mảnh thiên thạch quý hiếm này được triển lãm trước công chúng. Thiên thạch Ivuna rơi xuống Tanzania năm 1938, vỡ thành nhiều mảnh và phần lớn được các nhà sưu tập tư nhân mua lại.

Năm 2008, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London đã mua lại được mẩu lớn nhất từ một nhà sưu tập người Mỹ. Nó to cỡ trái quýt, màu đen, có niên đại cùng với thời điểm khai sinh hệ Mặt Trời khoảng 4,6 tỷ năm trước, trong khi Trái Đất của chúng ta mới hình thành khoảng 4,5 tỷ năm.


Mẩu thiên thạch được bảo quản trong môi trường nitơ nguyên chất. (Ảnh: NHM London).

Nó là một trong năm mẫu đá duy nhất trên thế giới chứa những hợp chất hóa học như hydro và heli, gần giống với cấu tạo Mặt Trời, được xếp vào nhóm thiên thạch chondrite carbonate - nhóm thiên thạch nguyên thủy nhất chiếm tỉ lệ 4,6% trong số những nhóm thiên thạch rơi xuống Trái Đất.

Thiên thạch chondrite carbonate chứa rất nhiều phân tử nước bị "khóa chặt", 1/5 trọng lượng của nó là nước, cùng với những hợp chất hữu cơ khác được cho là yếu tố cơ bản đặt "viên gạch cho sự sống".

Các nhà khoa học nhận định, những sao chổi như Ivuna có lẽ đã mang nước và những hợp chất quan trọng để hình thành nên sự sống của Trái Đất, khi đâm vào bề mặt địa cầu non trẻ hàng tỷ năm về trước.

"Những mẩu thiên thạch đó là dấu tích quan trọng hàng đầu về điều kiện môi trường tồn tại hơn 4,5 tỷ năm trước, trước khi Trái Đất hình thành. Chúng là những viên gạch nguyên thủy xây dựng nên Thái Dương hệ".

Khi chondrite carbonate rơi xuống Trái Đất, chúng sẽ từ từ phân hủy trong không khí. Tuy nhiên, mẫu vật từ sao chổi Ivuna được bảo quản trong môi trường nitơ tinh khiết để bảo tồn tính nguyên thủy của nó.

Các nhà nghiên cứu ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên London tin rằng, nghiên cứu mẫu thiên thạch sẽ giúp họ tìm hiểu chính xác hơn về thành phần cấu tạo nên Mặt Trời, so với phương pháp đo đạc bề mặt.


Một mẩu kính sa mạc Lybyan, thực chất là cát bị biến dạng bởi nhiệt độ và áp suất cực cao khi thiên thạch rơi xuống mặt đất. (Ảnh: NHM London).

Sara Russel, người đứng đầu ban khoáng sản và khoa học hành tinh của bảo tàng cho biết, họ nghiên cứu thiên thạch Ivuna để tìm hiểu về tuyên bố mới đây rằng kính viễn vọng không gian XMN-Newton của Cơ quan vũ trụ châu Âu phát hiện vật chất tối trong một cụm thiên hà cách xa Trái Đất.

"Bằng cách nghiên cứu hệ Mặt Trời, chúng ta có thể biết được chuyện gì đang diễn ra ở những thiên hà xa xôi. Tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, chúng tôi dùng những thiên thạch như Ivuna - có từ trước khi các hành tinh trong hệ Mặt Trời hình thành, để tìm hiểu những yếu tố vật chất nguyên thủy thời kỳ đó", Russel nói.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng, "thật tuyệt vời khi được phép cho du khách chiêm ngưỡng hiện vật độc đáo có tuổi đời nhiều hơn cả Trái Đất". Bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham quan.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video