Phát hiện bằng chứng sự sống xa xưa nhất Trái đất

Những hòn đá vừa được các nhà khoa học Nhật Bản tìm thấy ở phía bắc Canada có thể hé lộ bằng chứng về sự sống đầu tiên trên Trái đất.

Những hòn đá có tên Saglek Block ở phía bắc vùng Labrador, Canada từ lâu bị chìm dưới mực nước biển, bị hút vào bên trong lòng Trái đất, bị bẻ cong, bị đè nén và bị phân nhỏ bởi nội lực đã nổi dần lên trên theo thời gian.

Dù bị tác động bởi thời tiết như gió, sóng và bị mài mòn trong một thời gian dài, những hòn đá này có thể tồn tại khoảng 3,95 tỉ năm trước.

Sự sống xa xưa nhất

Nhà nghiên cứu Tsuyoshi Komiya và các đồng nghiệp tại Trường đại học Tokyo đã phân tích cẩn thận các mẩu đá này và nhận thấy điều đặc biệt: chúng chứa đựng hầu hết đồng vị carbon 12.

Các đồng vị thường được phân biệt bởi khối lượng. Carbon 12, gồm 6 proton và 6 nơtron trong nguyên tử, nhẹ hơn carbon 13 - vốn chứa nhiều nơtron hơn.

Dù cả 2 dạng đều tồn tại trong tự nhiên nhưng sinh vật sống thích các đồng vị nhẹ hơn vì chúng dễ kết hợp thành phân tử hơn. Vì lý do này, khi các nhà khoa học tìm thấy một lượng lớn than chì chứa nhiều carbon 12, họ dự đoán nguyên nhân có thể là do một sinh vật chết từ rất lâu.


Than chì được tìm thấy trong hóa thạch 3,95 tỉ năm có thể là bằng chứng về sự sống lâu đời nhất trên Trái đất - (Ảnh: Tsuyoshi Komiya).

Nếu phân tích trên là chính xác, những hòn đá này chứa đựng những dấu hiệu sự sống xa xưa nhất được tìm thấy trên Trái đất.

Phát hiện này cũng cho thấy nguồn gốc của sự sống có thể có sớm hơn rất nhiều, vào khoảng thời gian khắc nghiệt khi mà nhiệt độ hầu như rất lạnh và Trái đất thường xuyên va chạm với những vật thể khác trong Hệ mặt trời.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng có thể mở đường cho việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, bởi các nhà khoa học tin rằng sao Hỏa tương tự như Trái đất, do đó nếu sự sống phát triển ở nơi này chắc hẳn cũng sẽ phát triển ở nơi kia.

"Chúng ta có thể sử dụng những thông tin được ghi nhận trên Trái đất để khái quát nơi nào và loại môi trường nào có khả năng cao tìm thấy dấu hiệu của sự sống", Abigail Allwood, nhà sinh học vũ trụ của NASA, cho biết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.

Không phải tất cả nghiên cứu đều thuyết phục

Trước đây cũng từng có một nghiên cứu cho biết một phiến đá 3,77 tỉ năm và một mẩu vi khuẩn 3,7 tỉ năm trước có thể là "bằng chứng sự sống đầu tiên trên Trái đất". Nhưng nghiên cứu này đã gây tranh cãi.

Hơn nữa, xét tổng quát, cuộc tranh cãi về vấn đề này đã diễn ra cách đây nhiều thập kỷ và các nhà khoa học vẫn chưa thể thống nhất loại bằng chứng nào và với số lượng bao nhiêu thì cần thiết để chứng minh rằng chúng là một hóa thạch mang giá trị chứ không phải đơn thuần chỉ là một hòn đá.

Một ngày nào đó, các nhà khoa học chắc chắn sẽ còn nổ ra những cuộc tranh cãi tương tự về cấu trúc trong các mẩu đá ở những hành tinh khác.

Trái đất thậm chí vẫn đang thay đổi. Dù cho hành tinh của chúng ta đã có mặt khoảng 4,5 tỉ năm, hầu hết đất đá vẫn còn "trẻ", nhờ vào những hoạt động kiến tạo giúp hút những hòn đá cũ vào bên trong tầng manti và làm tan chảy chúng.

Một số nơi khác trên Trái đất mà các nhà khoa học có thể tìm những hòn đá xuất hiện vào thời buổi đầu của Trái đất như: Greenland, miền tây nước Áo, và phía bắc của Canada.

Cập nhật: 04/10/2017 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video