Các nhà nghiên cứu MIT thiết kế nhà ở trên Mặt trăng dạng module tự lắp ráp, giúp bảo vệ phi hành gia khỏi bức xạ vũ trụ.
(Video: MIT)
Momo, dự án hợp tác giữa Ban kiến trúc của Viện công nghệ Massachusetts, AeroAstro, và MIT Media Lab, nhằm tạo ra nơi ở tự lắp ráp trên Mặt trăng. Hai mục tiêu phía sau thiết kế bao gồm tối đa hóa hiệu quả gập gọn nơi ở trong khoang chở hàng Starship HLS và đảm bảo tính đơn thể (mức độ mà các thành phần của hệ thống có thể tách ra và kết hợp lại), Design Boom hôm 26/5 đưa tin.
Mỗi module được dựng từ một khung nhôm và màng polyethylene mật độ cao để ngăn bức xạ. Những module này chứa không gian lưu trữ và có thể tùy chỉnh theo chức năng để đóng vai trò như chốt gió, cửa sổ, pin quang năng, bàn làm việc hoặc nơi tập thể dục. Ngoài ra, chúng có thể thay thế trong trường hợp bị thủng, cho phép phi hành gia đổi một module khác thay vì thay toàn bộ nơi ở.
Thiết kế nhà ở dạng module tự lắp ráp của MIT.
Nỗ lực cộng tác của MIT dưới sự dẫn dắt của Trung tâm bay vũ trụ Marshall và Trung tâm vũ trụ Johnson, cùng với nhiều đơn vị tư nhân như SpaceX và Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven, nêu bật cách tiếp cận toàn diện để biến nhà ở Momo thành hiện thực.
Trong khi tiến triển thông qua những cột mốc quan trọng, từ yêu cầu ban đầu đến sẵn sàng vận hành đầy đủ, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tích hợp công nghệ tiên tiến và thử nghiệm nghiêm ngặt để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo nhiệm vụ thành công. Việc triển khai thành công nhà ở Momo không chỉ hỗ trợ nhiệm vụ Artemis III mà còn đặt nền móng để định cư dài hạn trên Mặt trăng, mở đường cho công cuộc khám phá và khai thác Mặt trăng bền vững của con người.