Một thành viên siêu cấp của dòng họ quái vật từng gây ra một số đợt tuyệt chủng hàng loạt trên Trái đất cổ đại có thể tạo ra một tận thế thực sự trên các hành tinh giống địa cầu.
Theo tờ Space, một nhóm khoa học gia vừa khám phá ra loại siêu tân tinh đáng sợ đủ sức xé toạc bầu khí quyển của một hành tinh, khiến lớp "vỏ" rất cần cho sự sống này không thể hồi phục sau nhiều năm xảy ra biến cố.
Siêu tân tinh là cái chết rực rỡ của một ngôi sao. Sự kiện tuyệt đẹp này xuất hiện phổ biến theo hai cách: Một ngôi sao lớn bất ngờ có phần lõi tự sụp đổ khi năng lượng cạn kiệt rồi phát nổ; hoặc một ngôi sao tiến hóa về phía cái chết tuần tự theo các bước sao khổng lồ đỏ - sao lùn trắng rồi đột ngột tái kích hoạt phản ứng hạt nhân bên trong nên phát nổ.
Ảnh đồ họa mô tả một hành tinh giống Trái đất bị "tắm" trong ánh sáng, bức xạ... của một siêu tân tinh - (Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY).
Dù xảy ra theo cách nào, siêu tân tinh cũng giải phóng một biển bức xạ chết người đủ tàn phá các hành tinh không may ở gần nó. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra Trái đất từng nhiều lần bị "ngập" trong bức xạ của các siêu tân tinh, dẫn đến những đợt tuyệt chủng hàng loạt.
Một ví dụ của siêu tân tinh mà nhân loại có thể có cơ hội nhìn thấy là ngôi sao Betegleuse, một trong các ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và dự báo có thể phát nổ bất cứ khi nào vì đã đi vào giai đoạn "hấp hối".
Thời điểm Betegleuse có thể phát nổ có thể là trong thế hệ bạn đang sống, cũng có thể là vài triệu năm tới. Với khoảng cách 600 năm ánh sáng, nó sẽ quá xa để tàn phá Trái đất nhưng đủ tắm cả hành tinh vài ngày trong thứ ánh sáng mạnh hơn cả trăng tròn.
Nhưng Betegleuse sẽ không tạo ra thứ mà nhóm khoa học gia đến từ Khoa Thiên văn và Khoa Vật lý của Trường Đại học Illinois Urbana-Champaign; Khoa Vật lý thiên văn của Trường Đại học Kansas và Khoa Vật lý thiên văn của Trường Đại học Washburn (Mỹ) đã xác định.
Trong nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arXiv, các tác giả cho thấy một số ngôi sao sắp hết tuổi thọ có thể được bao quanh bởi đĩa vật chất dày. Sau vụ nổ siêu tân tinh ban đầu, một sóng xung kích hình thành và đập vào đĩa, làm nóng đĩa đến nhiệt độ cực cao.
Chính đĩa này sẽ phát ra tia X tử thần, truyền đi với khoảng cách cực xa. Các hành tinh không may nằm trong bán kính 150 năm ánh sáng của "quái vật" có thể bị mất mát tầng ozone tới 50%. Nếu gần hơn, hậu quả có thể là bầu khí quyển bị xé toạc và có lòng hồi phục sau nhiều năm.
Nhiều tháng hoặc nhiều năm sau biến cố, hành tinh bị "bóc vỏ" này sẽ bị tia X tấn công dồn dập. Hàng trăm hoặc hàng nghìn năm sau, các tia vũ trụ tiếp tục ập tới, không cho sinh quyển của nó có cơ hội phục hồi.
Rất may ở khoảng cách gần Trái đất hiện không có ứng cử viên siêu tân tinh tia X nào đe dọa. Tuy nhiên ở các vùng có thể ở được của thiên hà, nhiều hành tinh khác giống Trái đất có thể bị đe dọa bởi vì ngoài kia còn rất nhiều ngôi sao tiềm năng trở thành loại siêu tân tinh chết chóc này.