Thời tiết cực đoan: hiện thực của một thế giới nóng

Năm 2010, các trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử xảy ra ở mọi châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực. Thế giới đang nóng lên do khí nhà kính: nhiệt độ cứ tăng 10C thì mưa lớn tăng 3-10%. Cứ mỗi độ C tăng thêm thì diện tích cháy rừng ở Bắc Mỹ tăng gấp đôi hoặc gấp bốn lần...


Mưa lũ kéo dài gây lụt lội ở Nam Phi, phá hủy khoảng 8.000 ngôi nhà và làm 70 người thiệt
mạng. Trong ảnh: lượng nước từ sông Orange đổ vào Angrabies với tốc độ 5.200m3/giây
(Ảnh: Reuters)

Mưa lớn nhấn chìm 1/5 diện tích Pakistan. Lũ lớn nhất trong 1.000 năm qua biến Nashville (bang Tennessee, Mỹ) thành đầm lầy. Mưa lũ ở phía bắc Rio de Janeiro gây lở đất kinh hoàng giết chết gần 800 người tại Brazil. Lũ lụt tạo ra “biển trên đất liền” ở miền bắc nước Úc. Mưa lũ cả miền nam nước Pháp, Sri Lanka, Nam Phi, Trung Quốc...

Chỉ một trong những vụ thiên tai này đã đủ đáng kể rồi", nhà khoa học Jay Gulledge thuộc Trung tâm biến đổi khí hậu toàn cầu Pew nhận định, "nhưng tất cả sẽ không thể xảy ra nếu thiếu hiện tượng nước biển nóng lên. Đó là mối quan hệ không thể loại bỏ”.

Tương lai u ám

Theo ước tính của các chuyên gia Đại học California, Los Angeles (Mỹ), độ tập trung khí nhà kính trên Trái đất đã đạt mức kỷ lục trong vòng 15 triệu năm qua. Khí nhà kính giữ nhiệt trong cả không khí lẫn trong lòng các đại dương. Nước biển ấm lên tạo ra nhiều hơi nước và một bầu không khí ấm hơn cũng có thể giữ thêm nhiều hơi nước ở thể lơ lửng. Càng có nhiều hơi nước trong không khí, các cơn bão sẽ càng mạnh thêm. Khi lượng hơi nước tăng cường này đổ bộ vào đất liền, nó không chỉ biến thành mưa hay tuyết mà còn tạo ra bão tố, bão tuyết và lũ lụt. “Có rất nhiều hơi nước nhiệt đới trong không khí, di chuyển qua những khoảng cách rất xa và rơi xuống rất nhiều vùng trên thế giới theo một cách rất khủng khiếp” - nhà khoa học Gulledge đánh giá.

Cơ quan Hải dương và khí quyển quốc gia Mỹ (USNOAA) cho biết, năm 2010 là năm nóng kỷ lục (tương đương năm 2005), với nhiệt độ đất liền và bề mặt biển toàn cầu cao hơn 0,620C so với nhiệt độ trung bình 13,90C của thế kỷ 20. Và lũ lụt không phải là hiện tượng thời tiết cực đoan duy nhất trong năm 2010. Ở Nga, 15.000 người chết trong đợt nóng kỷ lục hồi tháng 7. Úc trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Cả Pakistan cũng như Los Angeles đều trải qua những ngày nóng nhất từ trước đến nay. Bờ Đông nước Mỹ chìm trong tuyết lạnh bằng hai mùa đông cộng lại. Vùng Amazon ở Brazil hứng chịu một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử.


Những ngày nắng nóng ở Pakistan

Từ cách đây vài năm, giới chuyên gia đã dự báo những hiện tượng thời tiết này. Năm 2007, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng và mưa lớn gia tăng ở rất nhiều khu vực trên thế giới có liên quan đến sự gia tăng của khí nhà kính. Nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ (NAS) cho biết, nhiệt độ thế giới cứ tăng 10C thì mưa lớn tăng 3-10%. Cứ mỗi độ C tăng thêm sẽ khiến diện tích cháy rừng ở Bắc Mỹ tăng gấp đôi hoặc gấp bốn lần. “Nếu bạn nghĩ tình hình bây giờ đã quá tồi tệ khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,70C, thì hãy chờ đến khi nhiệt độ tăng thêm 3-40C. Tình trạng này sẽ ngày càng tồi tệ hơn” - nhà khoa học Gulledge cảnh báo.

Chúng tôi không hề nghi ngờ chuyện cường độ và sự nghiêm trọng cũng như số người bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày một gia tăng” - bà Margareta Wahlstrom, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về giảm nguy cơ thiên tai, nhận định.

Ảnh hưởng đến cả La Nina, El Nino

La Nina là hiện tượng xảy ra khi nước ở khu vực xích đạo trên Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường, còn El Nino là hiện tượng nước ấm ở Thái Bình Dương. La Nina và “người anh em sinh đôi” El Nino là một phần trong chu trình tự nhiên của các dòng hải lưu và gió, có chức năng tái phân phối nhiệt bằng cách chuyển nhiệt từ vùng này trên Trái đất sang vùng khác.

Đến nay, các nhà khoa học chưa tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa vấn đề Trái đất ấm dần lên với những thay đổi của hiện tượng La Nina và El Nino. Thế nhưng, nhiều nhà khoa học hiện lo ngại biến đổi khí hậu do con người gây ra đang ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết tự nhiên. Mùa mưa lũ khủng khiếp ở Úc năm nay có liên quan đến hiện tượng La Nina. Paul Mayewsk, giám đốc Viện Biến đổi khí hậu (CCI) thuộc Đại học Maine (Mỹ), cho rằng, La Nina và El Nino có thể bị ảnh hưởng bởi những cú sốc “toàn hệ thống”.

Kể cả những hiện tượng tự nhiên cũng có thể bị con người tác động” - ông nhấn mạnh. CCI đang điều tra xem liệu khí nhà kính có làm mất cân bằng nhiệt, dẫn đến các hiện tượng thời tiết tự nhiên như El Nino và La Nina tăng tốc độ và cường độ hay không. “Hoạt động của con người đang gây áp lực lên El Nino và La Nina", Mayewsk nhấn mạnh, "Chúng ta có thể đang thay đổi hệ thống này nhanh hơn và mạnh mẽ hơn”. Nếu điều đó xảy ra, thời tiết toàn cầu sẽ càng bất ổn và diễn biến cực đoan.

Trong một thế giới ngày càng đô thị hóa, người, hàng hóa và hạ tầng ngày càng tập trung, thiên tai có khả năng gây ra những tàn phá chưa từng thấy. “Những tổn thất ngày càng gia tăng - bà Margareta Wahlstrom nhận định - Bây giờ là thời khắc quyết định”. Thiên tai thường có xu hướng gây nhiều tổn thất ở các nước nghèo, nhưng năm 2010 cho thấy thời tiết cực đoan có thể tấn công trên phạm vi toàn cầu. “Ở các nước giàu, nhiều người phớt lờ biến đổi khí hậu vì cho rằng họ sống trong một vùng an toàn và thảm họa chỉ xảy ra ở các nước khác. Nhưng tư duy đó giờ đây đã quá sai lầm” - bà cảnh báo.

Theo bà, để đối phó với nguy cơ thời tiết cực đoan, các nước cần cải thiện năng lực chuẩn bị đối phó với thảm họa trong khi đàm phán để cắt giảm khí thải nhà kính.

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video