Tháng 10 năm 2014, một đoạn video giới thiệu chương trình tàu vũ trụ Orion lên sao Hỏa của NASA được đưa lên Youtube. Có ý kiến cho rằng đoạn video này đã "vô tình" tiết lộ một sự thật đằng sau các chuyến bay lên mặt trăng những năm 1960, 1970. Sự thật đó là gì và nó có đúng không?
Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau lược dịch từ báo Mỹ Huffingtonpost.
Theo HuffingtonPost, đoạn video 'Orion: Trial By Fire' (thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem) thật sự thú vị. Đó là một bài giới thiệu ngắn về chuyến bay thử nghiệm Orion, cách nó có thể giúp con người lên sao Hỏa và cách thiết kế để các hệ thống Orion vượt qua các khó khăn khi du hành vào không gian sâu.
Trong đoạn clip, kỹ sư NASA Kelly Smith cũng miêu tả cách Orion sẽ cất cánh từ quỹ đạo ban đầu cao hơn 160 km đến độ cao 6.000 km (các độ cao so với trái đất) trước khi tới đích. Để thực hiện hành trình này, Orion phải băng qua vành đai Van Allen - dải băng dày các phân tử hoạt động bức xạ trong từ trường trái đất, khu vực nguy hiểm với các nhà du hành.
Kỹ sư Smith nói: "Bức xạ như thế này có thể gây hại cho các hệ thống dẫn đường, các máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác trên tàu Orion. Cần có sự bảo vệ khi tàu cắt ngang các sóng bức xạ. Chúng ta phải giải quyết các thách thức trên trước khi đưa con người băng qua các khu vực không gian này".
Đây chính là câu nói khiến những người phản đối NASA nhảy vào tranh luận: Chắc chắn NASA đã đưa người qua khu vực này trong các sứ mệnh Apollo lên mặt trăng những năm 1960 và 1970. Chẳng lẽ tất cả chỉ là trò lừa đảo? "Cách video này giải thích rằng băng qua vành đai Van Allen và quay về trái đât là một sứ mệnh rất nguy hiểm. Nếu điều đó (sứ mệnh Apollo lên mặt trăng) là đúng, ít nhất cho đến nay chúng ta cũng đã đặt chân lên sao Hỏa hoặc thậm chí là thực hiện các chuyến bay có người đến các vệ tinh của sao Hỏa, hoặc tới sao Thổ, sao Mộc", bình luận của một độc giả.
Một độc giả khác thì nghi ngờ việc NASA đã lên mặt trăng với rất ít sự bảo vệ. Nhiều người khác lại có ý kiến rằng, nếu các sứ mệnh mặt trăng là thật thì "việc đục lỗ xuyên qua vành đai Van Allen" đã được giải quyết cách đây 40 năm.
Còn theo HuffingtonPost, câu trả lời cho vấn đề vành đai Van Allen rất đơn giản: Các phi hành gia Apollo đã không ở trong Van Allen đủ lâu để phải đối mặt với các mức độ phơi nhiễm phóng xạ nguy hiểm. Khi quay về trái đất thì họ cũng phơi nhiễm bức xạ đáng kể, nhưng liều lượng đó vẫn thấp hơn nhiều các quy định của Mỹ, ví dụ như quy định giới hạn bức xạ dành cho công nhân làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử là 5 rem hay 5 rad/năm (lượng phóng xạ trung bình mà các phi hành đoàn Apollo lên mặt trăng hấp thu từ 0,18-0,55 rad, thấp hơn nhiều so với quy định nêu trên).
Apollo 15.
Sự khác biệt của sứ mệnh sao Hỏa Orion EFT-1 so với chương trình mặt trăng Apollo chỉ có hai thứ: thiết bị và thời gian:
- Về thiết bị, so với các hệ thống Apollo thì Orion có nhiều thiết bị điện tử phức tạp và chi tiết hơn nhiều. Các thiết bị này có thể bị bức xạ làm hỏng, vì vậy chúng cần được kiểm tra trước khi con người được phép bay bên trong vành đai Van Allen.
- Về thời gian, Orion không chỉ đi qua vành đai Van Allen và quay lại trong vài ngàn ngắn ngủi. Nó được thiết kế cho các sứ mệnh dài tới 21 ngày và có thể lâu hơn nếu nó tham gia vào một sứ mệnh lên sao Hỏa. Vì vậy, Orion sẽ phải đối mặt với việc phơi nhiễm với một lượng lớn bức xạ trong không gian trong nhiều tháng. Do đó, việc kiểm tra các lớp bảo vệ và lượng bức xạ hấp thu là một ý kiến hay.
Theo website NASA, "du hành vào không gian xa hơn trạm vũ trụ quốc tế (ISS) 15 lần sẽ đưa Orion vượt lên vùng bức xạ bảo vệ hình thành từ khí quyển và từ trường trái đất. Trên thực tế, phần lớn EFT-1 sẽ diễn ra bên trong các vành đai Van Allen, các đám mây bức xạ năng bao quanh trái đất. Chưa từng có tàu không gian nào được thiết kế cho con người đã băng qua các vành đai Van Allen kể từ các sứ mệnh Apollo, và kể cả các tàu chỉ băng qua vành đai thì cũng không kéo dài.
Các phi hành đoàn tương lai cũng sẽ không hoạch định dành nhiều thời gian bên trong các vành đai Van Allen hơn cần thiết. Các sứ mệnh dài vào không gian sâu sẽ khiến họ phơi nhiễm nhiều bức xạ hơn so với các phi hành gia từ trước tới nay. Chương trình ở trong vành đai Van Allen mở rộng của EFT-1 sẽ là cơ hội đặc biệt để xem cách mà lớp vỏ của Orion duy trì được con tàu này. Các cảm biến sẽ ghi nhận bức xạ đỉnh cao cũng như các mức độ bức xạ trong suốt chuyến bay. Dữ liệu này có thể được dùng để vẽ bản đồ các điểm nóng địa lý".
Trên thực tế, thử nghiệm phóng tàu vũ trụ Orion ngày 5/12/2014 đã thành công. Đây là một bước ngoặt lịch sử, một trong những bước đầu tiên trong hành trình đưa người lên sao Hỏa (Journey to Mars) của NASA. Chuyến bay xuất phát từ trạm không quân Cape Canaveral này không có phi hành đoàn, nghĩa là giải pháp cho bài toán Van Allen trong những sứ mệnh đưa con người đi vào vũ trụ xa hơn mặt trăng vẫn đang được chuẩn bị.
Clip chính thức của NASA về thử nghiệm phóng tàu vũ trụ Orion lên sao Hỏa ngày 5/12/2014.
Cuối năm ngoái (ngày 11/12/2017), tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh đầu tiên về không gian trong nhiệm kỳ của mình, chỉ thị cho NASA hợp tác với các đối tác không gian thương mại đưa người Mỹ trở lại mặt trăng và lên sao Hỏa. Lễ ký sắc lệnh này có sự tham gia của 2 phi hành gia nổi tiếng trong chương trình Apollo lên mặt trăng: Buzz Aldrin (Apollo 11 năm 1969, một trong hai người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng cùng với Neil Armstrong) và Jack Schmitt (Apollo 17 năm 1972, chuyến sau cùng kể từ đó tới nay) .
Ảnh Getty: Tổng thống Donald Trump trong buổi lễ ký sắc lệnh đưa Mỹ trở lại mặt trăng. Thứ hai từ phải qua: Buzz Aldrin, Jack Schmitt
Mục đích của việc quay lại mặt trăng lần này không chỉ đơn giản là cắm cờ và quan sát sơ bộ như những lần trước mà là những chuyến bay dài hạn giúp tạo thêm việc làm và chỗ ở cho người Mỹ, khai thác nhiều hơn các nguồn lực vũ trụ, từ đó khẳng định vị thế dẫn đầu thế giới về không gian của Mỹ.
Chúng ta hãy cùng chờ đón xem, khi việc lên sao Hỏa trở thành một nhiệm vụ lớn và khẩn cấp được sự chỉ đạo của tổng thống, cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ sẽ làm gì để sớm giải bài toán vành đai bức xạ Van Allen ở mức độ khó nhất từ trước tới nay.