Thú móng guốc giúp duy trì băng vĩnh cửu

Sự hiện diện của ngựa, bò rừng hay tuần lộc ở vùng cực có thể làm chậm tốc độ tan băng vĩnh cửu, giúp chống biến đổi khí hậu.

Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang tan nhanh. Như một hệ quả, vi khuẩn bắt đầu phá vỡ carbon hữu cơ mắc kẹt bên trong và giải phóng một lượng lớn khí methan và CO2 vào khí quyển, làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 17/3, cho thấy những đàn thú móng guốc lớn có thể giúp làm chậm hiệu ứng này.


Thú móng guốc giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. (Ảnh. IFL Science).

Các chuyên gia từ Đại học Hamburg của Đức đã tiến hành thí nghiệm trên các đàn bò rừng, ngựa và tuần lộc tại công viên Pleistocene ở thành phố Chersky, phía đông bắc nước Nga. Những động vật móng guốc này được tái định cư trong khu vực từ hơn 20 năm trước với mục đích theo dõi tác động của chúng lên tầng đất đóng băng vĩnh cửu phía dưới.

Vào mùa đông, tầng băng giá vĩnh cửu ở Chersky chỉ được duy trì ở mức -10°C, "ấm" hơn nhiều so với nhiệt độ không khí phía trên (có thể xuống tới -40°C). Điều này là do tuyết rơi dày tạo thành một lớp ngăn cách mặt đất với không khí, khiến băng vĩnh cửu ở phía dưới có nhiệt độ cao hơn.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy sự hiện diện của các đàn thú móng guốc sẽ làm nén và phân tán lớp tuyết bề mặt. Cụ thể, cứ 100 con vật sống trong một khu vực rộng 1 km2, chiều cao trung bình của lớp tuyết sẽ giảm đi một nửa. Điều này làm giảm đáng kể tác dụng cách nhiệt của nó và qua đó, tăng cường khả năng đóng băng của tầng băng giá vĩnh cửu.

Các nhà khoa học đã sử dụng một mô hình khí hậu đặc biệt để mô phỏng các quá trình biến đổi nhiệt độ trên mặt đất. Kết quả cho thấy: nếu lượng khí thải nhà kính không được kiểm soát, nhiệt độ mặt đất có thể tăng thêm 3,8°C vào năm 2100, khiến một nửa lượng băng vĩnh cửu của nó tan chảy. Tuy nhiên, với phương pháp tái định cư các đàn thú móng guốc, mặt đất chỉ nóng lên thêm 2,1°C (ít hơn 44%), giúp duy trì 80% lượng băng vĩnh cửu.

Nhóm nghiên cứu đang xem xét các tác dụng phụ tiềm năng của phương pháp, ví dụ như vào mùa hè, liệu các loài thú ăn cỏ này có phá hủy lớp rêu và thảm thực vật cách nhiệt, dẫn tới lằm tăng nhiệt độ mặt đất hay không. Trong giai đoạn tiếp theo, họ muốn hợp tác với các nhà sinh vật học để tìm cách mở rộng phạm vi sinh sống của các loài thú móng guốc ở Bắc Cực.

Cập nhật: 21/03/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video