Miền trung Turkmenistan được biết đến với một miệng hố lửa khổng lồ, đã cháy mãi kể từ hơn 40 năm trước. Nhưng đằng sau điều kì diệu tưởng chừng như là tuyệt tác của tạo hóa này, là sự vô tình của con người đối với thiên nhiên…
Turkmenistan là một quốc gia với 70% diện tích là sa mạc (sa mạc Karakum), được chia thành 5 tỉnh, trong đó tỉnh lớn thứ 2 là Ahal Welayat nằm ở miền nam trung bộ. Ahal là một vùng hoàn toàn là sa mạc và chỉ chiếm 14% dân số của cả nước, nhưng lại rất giàu về khoáng sản.
Khi những nhà khoa học Xô-viết thời đó phát hiện được một nơi lưu trữ dầu mỏ gần làng Derweze ở vùng sa mạc Karakum, họ đã nhanh chóng tiến hành khai thác tại khu vực. Sau khi dàn khoan bị sập, một miệng hố khá rộng đã được tạo ra, và giải phóng một lượng lớn khí metan. Lượng khí metan này ngay sau đó đã bắt lửa trong khi người ta cố gắng trừ khử nó, và đến hơn 40 năm sau hố lửa này vẫn còn cháy mãi.
Ngôi làng Derweze (hay làng Darvaza) nằm ở miền trung Turkmenistan chỉ có một bộ lạc gồm 350 người, đã chống chọi với rất nhiều điều kiện khắc nghiệt của vùng sa mạc qua hàng trăm năm để tồn tại, và không gì có thể phá vỡ sự bình yên và cuộc sống bình lặng của bộ lạc du cư nơi đây. Tuy nhiên, bởi vì ngôi làng nằm trên một vùng đất với rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, cuộc sống bình yên của họ đã hoàn toàn bị thay đổi.
Cuối những năm 1960, các đội thám hiểm của Liên bang Xô-viết đã đi xuyên lục địa để tìm kiếm vị trí của các mỏ ga và dầu. Năm 1971, một trong những đội thám hiểm đã định vị được nơi họ cho là cất giấu một lượng khoáng sản lớn bên dưới ngôi làng Derweze. Trại và dàn khoan nhanh chóng được dựng lên tại khu vực, công việc khoan đào cũng tiến hành không lâu ngay sau đó.
Khi việc khoan đào được tiến hành, các nhà khoa học ngành hóa dầu đã ước tính lượng khí ga có ở khu vực. Những con số tính toán ban đầu khá khả quan; chính vì vậy nhiều dàn khoan khác được dựng lên, công suất sản xuất đạt đến đỉnh điểm, và họ bắt đầu lưu trữ khí ga…
Tai họa ập đến ngay sau khi phần đất bên dưới dàn khoan sập và lôi toàn bộ khu trại vào một miệng hố toàn khí độc. Điều kì lạ là không một ai bị mất mạng sau khi rơi xuống hố độc, tuy nhiên, một lượng lớn khí metan được giải phóng, bay vào không khí. Và điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn đe dọa sức khỏe của những người dân làng Derweze. Một khi khí Metan cháy, nó sẽ làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu còn hơn cả khí CO2.
Các nhà địa chất sau đó quyết định đốt miệng hố này vì họ cho rằng đốt hết lượng khí metan này trong vài ngày sẽ tiết kiệm kinh phí và an toàn hơn nhiều so với việc sử dụng những trang thiết bị đắt tiền để hút khí, thêm vào đó điều này khá nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, vì lượng dự trữ ở khu vực trong thực tế cao hơn rất nhiều so với sự tính toán ban đầu, nên khi các nhà khoa học tiến hành đốt khí, miệng hố đã phun trào, và không hề ngừng cháy. Kể từ đó miệng hố này vẫn luôn rực lửa trong suốt hơn 40 năm sau. Những người dân địa phương đã gọi khu vực này là "Cánh cửa địa ngục" và "Hố ga Darvaza".
Miệng hố nơi dàn khoan bị sập khá lớn, rộng 70m và sâu 20m. Mùi khó chịu của lưu huỳnh bị cháy đã lan toả khắp vùng với mọi phương hướng. Năm 2004, tổng thống Turkmenistan lúc đó là Saparmurat Niyazov, đã lệnh cho những cư dân làng Derweze phải giải tán khỏi vùng, nhưng không phải vì sự an toàn của họ, mà vì ông cho rằng ngôi làng sẽ để lại hình ảnh xấu đối với những du khách đến với miệng hố lửa.
Tháng 4/2010, một lãnh đạo khác của Turkmenistan, ông Berdimuhamedow, đã đến “Cánh cửa địa ngục” và cho lệnh đóng cửa khu vực này. Miệng hố lửa đã cản trở mọi công việc khai thác nguồn tài nguyên dồi dào nơi đây. Dù vậy, đến tháng tháng 7/2013, vẫn chưa hề có một động thái nào của chính phủ Turkmenistan đối với việc khai phá tài nguyên trong vùng, và những ngọn lửa ở hố ga Darvaza vẫn tiếp tục cháy.