Trong một kỳ thi thử nghiệm gần đây, trí tuệ nhân tạo đã đánh bại sinh viên thật mà không bị người chấm điểm phát hiện.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) đã tạo ra 33 sinh viên hư cấu và sử dụng công cụ AI ChatGPT để tạo câu trả lời cho các bài kiểm tra của khóa Tâm lý học tại trường. Theo họ, kết quả trung bình của các sinh viên AI cao hơn 0,5 điểm so với của các sinh viên con người. Đồng thời, các bài luận do AI viết “gần như không bị phát hiện”, với 94% qua mắt thành công những giáo viên chấm điểm.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One, tỷ lệ phát hiện 6% thậm chí có thể là một sự đánh giá quá cao. “Điều đáng lo ngại là bài của AI đạt điểm cao hơn hẳn so với bài của sinh viên thực sự. Do đó, sinh viên có thể gian lận mà không bị phát hiện bằng cách sử dụng AI và khi làm như vậy, họ sẽ đạt điểm cao hơn những người không gian lận”, các nhà nghiên cứu viết.
Phó Giáo sư Peter Scarfe và Giáo sư Etienne Roesch, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, những phát hiện của họ là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho các nhà giáo dục trên toàn thế giới. “Nhiều tổ chức đã loại bỏ các kỳ thi truyền thống để có đánh giá toàn diện hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng quốc tế của việc hiểu AI sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đánh giá giáo dục. Chúng ta không nhất thiết phải quay lại hoàn toàn các bài kiểm tra viết tay – nhưng ngành giáo dục toàn cầu sẽ cần phải phát triển để ứng phó với AI”, ông Scarfe cho biết.
Các giáo sư đại học không thể phân biệt giữa câu trả lời do AI viết và câu trả lời viết tay.
Trong nghiên cứu, các câu trả lời và bài luận giả đã được nộp cho các học phần năm thứ nhất, năm thứ hai và năm thứ ba mà người chấm điểm không hề hay biết. Kết quả là điểm số của AI cao hơn điểm của sinh viên đại học thật trong hai năm đầu tiên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết con người đạt điểm cao hơn trong kỳ thi năm thứ ba - điều này “hỗ trợ quan điểm rằng AI hiện vẫn đang chật vật với những lý luận trừu tượng hơn”.
Thử nghiệm của họ là nghiên cứu lớn nhất về lĩnh vực này cho đến nay. Giới học thuật đã nêu lên mối lo ngại về ảnh hưởng của AI trong giáo dục, trong đó Đại học Glasgow (Scotland) gần đây đã áp dụng lại các kỳ thi trực tiếp cho một khóa học.
Đầu năm nay, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hầu hết sinh viên đại học đã sử dụng các chương trình trí tuệ nhân tạo để giúp viết bài luận cho họ, nhưng chỉ 5% thừa nhận đã sao chép y nguyên văn bản do AI tạo ra vào bài của họ.