Chất nhầy có thể được điều khiển bằng từ trường, giúp nó điều hướng trong không gian chật hẹp và đặc biệt lý tưởng để gắp các vật thể nhỏ bên trong cơ thể người.
Các nhà nghiên cứu tại Hồng Kông mới đây đã cho ra mắt một loại robot với kiểu dáng tựa như đống chất nhầy, có thể được sử dụng để lấy mọi thứ từ bên trong cơ thể con người - điều mà y học ngày nay vẫn còn khá hạn chế.
Theo giáo sư Li Zhang - chủ nhiệm nghiên cứu, ông và các đồng nghiệp đã thành công khi trộn lẫn các hạt nam châm neodymium với hàn the, một chất tẩy rửa gia dụng phổ biến và nhựa polyvinyl để tạo thành một dạng chất nhờn có thể kiểm soát được.
Cụ thể, chất nhờn này có thể di chuyển xung quanh, do được điều khiển bởi nam châm, tạo thành một cái móc hình chữ C, hay một vòng tròn hình chữ O, cho phép nó "gắp" được các vật thể mong muốn ra khỏi những vị trí mà phương thức thông thường rất khó tiếp cận.
Không chỉ vậy, nó còn có thể dễ dàng thay đổi hình dạng vật chất, chuyển từ một khối rắn chắc thành chất lỏng, từ đó len lỏi vào các khe hẹp trong cơ thể để làm "nhiệm vụ".
Thứ chất nhầy này được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong ngành y học.
Các nhà nghiên cứu cho biết robot hiện vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản. Song, mục tiêu của họ là có thể đưa robot vào để sử dụng bên trong cơ thể con người, hay cụ thể là bên trong đường tiêu hóa. Quan trọng nhất, chính là khả năng lấy ra các vật thể không phải thực phẩm mà con người vô tình nuốt phải.
Tuy nhiên, có một mối nguy hiểm đó là các hạt từ tính trong chất nhờn có thể gây độc hại với cơ thể. Để giải quyết vấn đề này, Zhang và nhóm của ông đã phủ lên chất nhờn một lớp silica. Họ tin rằng điều này sẽ tạo ra một lớp bảo vệ có thể ngăn các phần tử độc hại tương tác với cơ thể người.
Dẫu vậy, mức độ hiệu quả của robot vẫn là điều cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng thực tế.