Thủ phạm gây tăng men gan

Nguyên nhân gây tăng men gan

TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng men gan, nếu tình trạng men gan cao kéo dài gây ra các biến chứng như xơ gan hay ung thư gan.

Tăng men gan là một trong những cụm từ mà người bệnh thường được nghe bác sĩ nói, nhiều người chỉ nghe thấy “tăng men gan” đã tỏ ra lo lắng về sức khỏe của mình và nghĩ đây là bệnh nguy hiểm. Vậy sự thật của tăng men gan là gì, và những nhóm người nào, mắc bệnh gì sẽ dẫn tới tình trạng tăng men gan thì không phải ai cũng biết?

Với những người thuộc chuyên ngành y, tăng men gan chỉ phản ánh có một lượng tế bào gan đang bị tổn thương hoặc hoại tử. Hay khi một hoặc nhiều enzyme có trong tế bào gan có giá trị cao hơn mức bình thường thì được gọi là tăng men gan.


TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội khoa học gan mật Việt Nam.

Theo TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội khoa học gan mật Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm phòng chống ung thư, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa Nội soi Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, hiện nay y học rất phát triển, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện, thậm chí cả tuyến xã đều có khả năng phát hiện ra một người có bị tăng men gan hay không. Sở dĩ, bệnh tăng men gan nhiều người mắc và phổ biến như hiện nay là nhờ vào kỹ thuật phát triển, chúng ta ngày càng phát hiện sớm được bệnh. Tuy nhiên với người thầy thuốc, phát hiện ra tăng men gan chưa thể chẩn đoán được bệnh bởi có rất nhiều nguyên nhân gây tăng men gan khác nhau. Cả thầy thuốc và người bệnh cần phải tìm đúng nguyên nhân gây tăng men gan mới chữa được tận gốc bệnh.

Nguyên nhân gây tăng men gan

  • Do virus: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D, E. Đặc biệt virus viêm gan B, hiện trên thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm bệnh. TS Lan cho biết, số người mắc viêm gan b tại Việt Nam chiếm khoảng 10-20% dân số. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đang tiến hành điều tra lại số người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này trong cộng đồng. Đây là những bệnh viêm gan khiến men gan tăng cao.
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất có cồn: Lạm dụng rượu bia dẫn đến các bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan hay ung thư gan. Nếu một người hay sử dụng rượu bia mà có biểu hiện tăng men gan cần nghĩ ngay tới nguyên nhân này. Bên cạnh đó nếu người đó còn mắc thêm các bệnh viêm gan do virus, nguy cơ tăng men gan càng cao.
  • Các bệnh lý đường mật: Đây là một trong những “thủ phạm” khiến men gan tăng cao. Theo TS Lan, các bệnh lý ở đường mật như viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi mật, sỏi mật trong gan… sẽ làm tổn thương gan và làm tăng men gan.


Có rất nhiều căn bệnh khiến men gan tăng cao.

  • Một số bệnh lý gây tăng men gan: Có rất nhiều căn bệnh khiến men gan tăng cao. BSCKI Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, có bệnh nhân chỉ sốt xuất huyết, men gan cũng tăng lên tới hàng nghìn. Bởi khi người bệnh bị sốt xuất huyết, ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan trong cơ thể trong đó có gan, biến chứng của xuất huyết gây viêm gan và hoại tử tế bào gan cấp tính, người bệnh có men gan tăng. Ngoài ra một số bệnh cũng gây tăng men gan như bệnh ứ sắt, viêm gan tự miễn, sốt rét, đái tháo đường, béo phì… Tùy mức độ nặng nhẹ sẽ gây tăng men gan âm thầm hay khởi phát đột ngột, TS Lan giải thích.
  • Sử dụng thuốc không hợp lý: Theo TS Đinh Quý Lan, thói quen sử dụng thuốc dễ dãi, bừa bãi của người Việt tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan. Nhất là việc sử dụng thuốc nam không hợp lý sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của lá gan. Tôi đã chứng kiến có bệnh nhân chữa bệnh gan bằng thuốc nam nhưng sau một thời gian uống thuốc nam làm bệnh gan nặng thêm. Ngay cả việc sử dụng thuốc tây không đúng cũng gây tăng men gan, như thuốc hóa trị điều trị ung thư, các thuốc chống lao, hay cả thuốc diệt virus trong điều trị bệnh gan cũng làm tăng men gan… . Tốt nhất khi sử dụng bất cứ thuốc nào vào cơ thể cần phải có sự tư vấn của bác sĩ. Khi bị mắc bệnh mà phải sử dụng thuốc có tác dụng phụ đến gan, bác sĩ sẽ là người cân nhắc lợi hại để kê đơn cho bệnh nhân.


Lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất có cồn là một trong những nguyên nhân khiến men gan cao.

  • Men gan tăng do chế độ ăn uống, ăn các loại thực phẩm độc hại: Nếu ăn các loại thực phẩm chứa độc tố, các chất bảo quản nguy hại… đều để lại hậu quả là men gan tăng. Như các loại ngô, đậu, bắp bị mốc, nấm độc, gạo mốc … đều có chất aflatoxin gây tăng men gan, viêm gan, ung thư gan… Theo các nhà khoa học, aflatoxin là chất gây ung thư mạnh nhất, hấp thu qua đường tiêu hóa, nếu hấp thu 2,5mg aflatoxin trong 89 ngày sẽ xuất hiện ung thư gan sau 1 năm.
  • Nhiều loại thuốc, đặc biệt là những thuốc giảm cholesterol và thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen, aspirin… có thể làm tăng men gan.
  • Các chất tẩy rửa hóa học, kem chống nắng, sản phẩm vệ sinh cá nhân, nước hoa, chất khử trùng, mùi sơn, thậm chí là việc hút thuốc lá thụ động, khói bụi ô nhiễm… tiềm ẩn những nguy cơ có thể khiến gan bạn bị tổn thương.
  • Những chất độc hại từ thực phẩm bẩn vào cơ thể sẽ trực tiếp sẽ có thể làm tổn thương, hủy hoại tế bào gan, làm gan nhanh chóng suy yếu.

Với người thầy thuốc, quan trọng nhất là cần tìm ra đúng căn nguyên khiến bệnh nhân bị tăng men gan để điều trị tận gốc mới hết bệnh. Còn với một số thuốc khi uống gây tăng men gan, người dân không nên quá lo lắng bởi sau một thời gian dùng thuốc, men gan sẽ trở lại bình thường. Hay như người vừa uống quá nhiều rượu, đi xét nghiệm ngay sẽ cho kết quả tăng men gan. Với những đối tượng này, cần có lối sống lành mạnh hơn, tuyệt đối tránh xa rượu và các chất có cồn để không làm hại đến gan, TS Lan khuyên.

Men gan bình thường có các trị số xét nghiệm đạt:

  • Aspartate transamine (AST): 20-40 UI/L. Đây là men trong tế bào gan, ngoài ra còn có ở mô tim, cơ và thận. AST tăng có thể do gan đang bị tổn thương.
  • Alanine transaminase (ALT): 20-40 UI/L. ALT là men ở gan, có trong bào tương, ALT tăng cho thấy gan đang bị tổn thương.
  • Gamma – glutamyl transpeptidase (GGT): 20-40 UI/L, đây là men gan trong tế bào thành ống mật. GGT tăng cho thấy nguy cơ viêm gan mãn tính và bệnh đường mật.
  • Phosphatase kiềm (ALP): 30-110 UI/L, ALP có trong màng tế bào gan, thường tăng khi bị tắc nghẽn đường mật hoặc các bệnh lý về xương.
Cập nhật: 28/04/2020 Theo SKĐS
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video