Những hàng dài khoảng nửa mét gồm nhiều lỗ nhỏ kỳ lạ dưới đáy biển Bering có thể là công trình của sinh vật thuộc bộ Giáp xác chân khớp.
Tháng 7 - 9/2022, một nhóm nhà khoa học bắt đầu chuyến thám hiểm AleutBio ở Bắc Thái Bình Dương với mục đích nghiên cứu tính đa dạng sinh học của Rãnh Aleutian, khe nứt sâu 7km dưới đáy biển gần Alaska. Tuy nhiên, tàu nghiên cứu cũng lấy mẫu ba địa điểm tại biển Bering gần đó.
Sinh vật thuộc bộ Giáp xác chân khớp xuất hiện bên trong một số lỗ dưới đáy biển. (Ảnh: Ecology and Evolution)
Trong khi xem thước phim do camera của chuyến thám hiểm ghi lại, nhóm nghiên cứu phát hiện những hàng lỗ nhỏ kỳ lạ, dài khoảng 0,5 m dưới đáy biển, theo Julia Sigwart, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Senckenberg và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Frankfurt. "Sau đó chúng tôi tiếp tục bắt gặp chúng hết lần này đến lần khác. Chúng tôi thấy chúng hàng trăm lần ở ba địa điểm khác nhau", bà nói.
Sự phổ biến của những hàng lỗ này khiến nhóm nghiên cứu tò mò. Họ kiểm tra thước phim để tìm hiểu kỹ hơn về chúng. Nhìn bên ngoài, chúng có vẻ tương tự với những hàng lỗ bí ẩn được quan sát ở sống núi giữa Đại Tây Dương suốt nhiều thập kỷ.
Xem xét cảnh quay về các lỗ từ nhiều góc độ khác nhau, nhóm chuyên gia nhận thấy chúng kết nối bằng một đường hầm nằm ngang bên dưới, IFL Science hôm 10/4 đưa tin. Tổng cộng, họ ghi nhận gần 200 đường hầm như vậy, mỗi đường hầm có nhiều lỗ. Họ phát hiện 96 loài động vật hoạt động ở phía trên hoặc trong các lỗ và thắc mắc loài nào trong số đó, nếu có, là kiến trúc sư của công trình hình chiếc sáo này.
Sau đó, khi nhìn thấy một sinh vật thuộc bộ Giáp xác chân khớp (Amphipoda) màu hồng, có vẻ thuộc chi Maera, ở một trong những chiếc lỗ, nhóm chuyên gia cho rằng họ có thể đã tìm ra đáp án. Sinh vật này có kích thước phù hợp và sở hữu những chiếc chân chuyên dụng để đào bới. Tuy nhiên, Sigwart cho rằng một loài sống dưới biển sâu khác đã đào những chiếc lỗ ở sống núi giữa Đại Tây Dương.
Sigwart nhận định, nhiều khả năng sinh vật thuộc bộ Giáp xác chân khớp đào hàng lỗ để trú ẩn hoặc làm tổ. "Chúng cũng sử dụng cấu trúc này để tiếp cận lớp giàu dưỡng chất hơn nằm dưới bề mặt", bà nói.
Nhiều loài vật khác cũng tụ tập xung quanh và trong các lỗ. Hoạt động đào bới cũng có thể giúp luân chuyển các chất hóa học trong hệ sinh thái, theo Jennifer Durden, chuyên gia tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Southampton, Anh. Durden cho biết, dưới biển sâu không có nhiều quá trình vật lý giúp trộn lẫn trầm tích. Do đó, chủ yếu là các động vật đào hang giúp xáo trộn bùn.
Động vật thuộc bộ Giáp xác chân khớp đóng vai trò là kỹ sư hệ sinh thái biển sâu, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái tại đây. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ hiểu rất ít về chúng. Theo Sigwart, nhiều khả năng sinh vật tạo nên hàng lỗ ở biển Bering là một loài mới, cần được đặt tên và mô tả khoa học. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Ecology and Evolution.