Nghiên cứu ADN từ xương người, các nhà khoa học tìm ra loại vi khuẩn gây ra Đại dịch hạch xóa sổ 1/4 dân số thành London ở Anh năm 1665.
Sau khi nghiên cứu 20 bộ xương tại hố chôn tập thể Bedlam ở đông London, các nhà nghiên cứu Anh đã xác định được loại vi khuẩn gây ra Đại dịch hạch năm 1665 gây ra cái chết của 100.000 người, chiếm 1/4 dân số thành phố này thời kỳ đó, Independent hôm 9/9 đưa tin.
Phân tích ADN từ những bộ xương này, các chuyên gia phát hiện phần lớn các mẫu xét nghiệm dương tính với yersina pestis, loại vi khuẩn gây ra đại dịch Cái chết Đen năm 1348 và dịch hạch ở Trung Quốc năm 1855.
Các bộ xương người được khai quật ở nghĩa trang Bedlam vào tháng 7 năm 2015. (Ảnh: Crossrail).
"Đây là phát hiện quan trọng bởi đến nay nhiều người vẫn nghi ngờ về nguyên nhân bùng phát đại dịch kinh hoàng năm 1665. Phát hiện này làm sáng tỏ về dịch hạch và mở đường cho những nghiên cứu sâu rộng hơn về căn bệnh cả trong quá khứ và hiện tại", Don Walker, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về xương người tại Bảo tàng Khảo cổ học London, nhận xét.
Khoảng 4-5 năm trước, khi nghiên cứu xương người từ đại dịch Cái chết Đen, các nhà khoa học phát hiện nguyên nhân là do vi khuẩn yersina pestis, nhưng họ không chắc chắn về nguồn gốc bùng phát Đại dịch hạch năm 1665. "Kết quả nghiên cứu bây giờ đã xác định hai đại dịch do cùng một loại vi khuẩn gây ra", Walker giải thích.
Nghiên cứu ADN từ xương của các bệnh nhân dịch hạch là cách duy nhất để thu thập thông tin quan trọng về căn bệnh.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ gọi là đại dịch lần thứ 3. Dịch hạch vẫn lan truyền từ loài gặm nhấm nhưng không dễ dàng lây nhiễm cho con người. Nếu so sánh thông tin này với ADN của bệnh dịch hạch hiện nay và ADN trong dịch bệnh Cái chết Đen, chúng ta có thể làm rõ về căn bệnh", Walker cho biết.