Tại xã Hòa An (Cầu Kè, Bến Tre), kỹ sư Ngô Thanh Trung và kỹ sư Nguyễn Văn Trai chuyên nghiên cứu về cây dừa của Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò, Bến Tre (Bộ Công Thương) đang thụ phấn cho cây dừa sáp.
Các anh dùng thiết bị tự chế để xịt phấn hoa đực trộn trong một loại dung dịch đặc biệt lên hoa cái mới nở. Dừa sáp, một loại trái dừa có cùi rất dày, gần như làm đặc ruột, và dẻo thơm nên khá đắt. Tuy nhiên, dừa sáp ít đậu… trái dừa sáp mà thường có đến 90% trái trong buồng hóa thành dừa thường.
3 năm qua, Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò, Bến Tre đã nghiên cứu nhằm tăng tỷ lệ trái dừa sáp trên buồng dừa và hiện đang kết hợp với Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh tổ chức thụ phấn trợ lực cây dừa sáp ở huyện Cầu Kè.
Kỹ sư Trung cho biết: Khi hoa đực trên cây dừa sáp đã bung mo bên ngoài là thời điểm lấy phấn.
Thụ phấn cho cây dừa sáp (Ảnh: TP) |
Xịt vào buổi sớm mỗi ngày, xịt liên tục 6 - 8 ngày khi hoa cái thụ phấn thành công thì đít sau của trái dừa sáp từ màu vàng nhạt chuyển qua màu nâu.
Đây là kết quả của công trình nghiên cứu “thụ phấn trợ lực phấn sáp của nó để cho tăng tỉ lệ sáp”.
Ông Lê Văn Bé - Phó chủ tịch Hội làm vườn Trà Vinh cho biết: Dừa sáp trồng nhiều ở xã Hòa Tân, Hòa An và thị trấn Cầu Kè có tổng số 7.874 cây, trong đó có 1.087 cây đã cho trái.
Hiện nay, 185 cây dừa sáp tại xã Hòa An đã được thụ phấn, mỗi cây tùy số hoa cái mà thụ phấn cho 2, 3 hay 4 bông. Cùng với việc trợ lực dừa sáp thụ phấn, các kỹ sư còn hướng dẫn bà con chăm sóc cây dừa để có nhiều hoa.
Kỹ sư Trung cho biết thêm, sau khi thụ phấn thành công khoảng 11 tháng, có thể thu hoạch dừa sáp. Huyện Cầu Kè đang chuẩn bị thành lập CLB dừa sáp nhằm tiếp thị quảng bá giống dừa quý hiếm này.
Tùng Huyên