Thực hư chuyện uống rượu làm ấm người

Theo các nhà khoa học, rượu không khiến cơ thể người ấm lên mà ngược lại làm hạ thân nhiệt, gây nguy hiểm cho người uống nhiều rượu.

Theo Live Science, khi uống nhiều rượu, hai má thường đỏ ửng lên, người cũng tiết nhiều mồ hôi hơn. Thủ phạm khiến người uống rượu có cảm giác ấm áp hơn chính là máu.

"Rượu làm cho các mạch máu dưới da nở ra, máu tập trung ở vùng ngoại vi thay vì ở trung tâm. Nhiệt độ cơ thể của ta không thực sự thay đổi mà chỉ phân phối lại nhiệt", Ted Simon, nhà thần kinh học đồng thời là chuyên giám định ma túy và rượu, nói.


Uống rượu không giúp cơ thể bạn ấm hơn. (Ảnh minh họa: Africa Studio).

Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học của Mỹ (AAAS) cho biết, con người duy trì nhiệt độ cơ thể ở khoảng 37 độ C. Hầu hết lượng nhiệt này được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất, thuật ngữ chỉ các phản ứng hóa học trong cơ thể giúp con người sống sót. Da người chứa nhiều thụ thể cảm giác giúp nhận biết sự thay đổi nhiệt độ. Việc phân phối lại máu khi uống rượu gửi hàng loạt thông điệp tới bộ não nói rằng "cơ thể đang nóng".

Những cơ chế tự nhiên của cơ thể, chẳng hạn như phát hiện lạnh giúp chúng ta tránh khỏi tình trạng bị tê cóng hoặc hạ thân nhiệt. Thông thường mạch máu co lại ở nhiệt độ thấp hơn để vận chuyển máu đến những cơ quan quan trọng. Rượu làm đảo ngược quá trình trên.

Cơ thể người uống rượu cho rằng nhiệt độ đang tăng lên nên bắt đầu đổ mồ hôi để giảm nhiệt, điều này có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng. Năm 2015, tờ New York Daily News từng đưa tin: "Vào một đêm lạnh giá ở Anh, một sinh viên chết vì hạ thân nhiệt sau khi đi bộ hơn 14km về nhà mà không mặc áo khoác".


Cơ thể người uống rượu cho rằng nhiệt độ đang tăng lên nên bắt đầu đổ mồ hôi để giảm nhiệt.

Tất cả những thứ chúng ta ăn uống được lọc qua gan thông qua các enzyme. Bốn enzyme chính chuyển hóa rượu là: aldehyde dehydrogenase (ALDH), alcohol dehydrogenase (ADH), cytochrome P450 và catalase. Do mã gene tạo ra những enzyme này ở mỗi người có sự khác biệt, nên hiệu quả quá trình chuyển hóa rượu không giống nhau.

Khi rượu chưa phân hủy hết trong gan, nó thâm nhập vào máu và di chuyển khắp cơ thể. Rượu là một loại thuốc kích thích phổ rộng, hoạt động ở rất nhiều hệ cơ quan khác nhau bao gồm cả não. Sau một thời gian, rượu tiếp tục bị phân hủy khi máu quay trở lại gan. Thời điểm rượu phân hủy hoàn toàn cũng là lúc người uống rượu tỉnh táo trở lại.

Cập nhật: 21/07/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video