Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác tiến hành thực nghiệm phương pháp khai thác nguồn tài nguyên methane hydrate tại bang Alaska của Mỹ từ tháng 1/2012.
>>> Trung Quốc - Mỹ hợp tác nghiên cứu khai thác băng cháy ở biển Đông
Phương pháp này nhằm khai thác khối lượng lớn methane bằng cách bơm khí CO2 vào trong lòng đất.
Mục đich cuộc thực nghiệm chung này nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ khai thác có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên năng lượng này và tăng cường quan hệ với Mỹ trong đảm bảo an ninh năng lượng trong trung và dài hạn.
Tập đoàn khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản kim loại Nhật Bản (JOGMEC) sẽ góp 7 triệu USD, bằng 1/2 số kinh phí khai thác thực nghiệm cùng với công ty dầu khí Mỹ Conoco Phillips.
Địa điểm khai thác thử là khu vực phía bắc Alaska thuộc quyền sở hữu của công ty Conoco Phillips. Thời gian khai thác thử sẽ kéo dài 40 ngày để tách và thu khí methane từ tầng methane hydrate nằm sâu 1.000m dưới lòng đất.
Từ tháng 2/2012, Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu tiến hành khai thác thử methane hydrate dưới đáy biển ở ngoài khơi tỉnh Aichi của Nhật Bản.
Methane Hydrate (còn gọi là băng cháy) là một chất ở dạng rắn, hình thành từ khí methane và nước (hàm lượng methane chiếm tới hơn 75%) ở dưới điều kiện áp suất cao (trên 30atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C).
Người ta đã tìm thấy băng cháy ở nhiều đáy biển khắp các đại dương thế giới và cả ở những vùng băng tuyết phủ quanh năm (như Siberi của Nga) với trữ lượng đủ cung cấp cho toàn thế giới trong hàng trăm năm.
Theo dự báo của các nhà khoa học, nguồn băng cháy ở đáy các đại dương lớn gấp khoảng 100 lần so với ở trên lục địa. Với những nơi đã thăm dò được, hàm lượng carbon trong chúng nhiều gấp hai lần tổng hàm lượng carbon trong mọi loại nhiên liệu hóa thạch đã biết được tới ngày nay (bao gồm than, dầu mỏ, khí thiên nhiên).