Vùng biển Việt Nam là nơi hiện hữu của một loài sinh vật giống cá, trong suốt, không có xương, vật vờ như những hồn ma…
Đó là loài lưỡng tiêm hay cá văn xương (Branchiostoma lanceolatum), một loài động vật được coi là hóa thạch sống trong thế giới tự nhiên.
Loài động vật này sống trong nước, thuộc về phân ngành sống đầu, giờ đây chỉ còn trên dưới 30 loài sống ở biển.
Chúng xuất hiện trên trái đất từ 500 triệu năm trước, là thủy tổ của cá và các loài động vật vật có xương sống.
Đặc trưng của chúng là không có xương sống và hộp sọ, chỉ có một dây sống chạy từ mút đầu tới mút đuôi. Phần trước của dây sống phình ra, tương ứng với não bộ nguyên thủy.
Lưỡng tiêm cũng có “mắt”, cấu tạo rất sơ khai, mỗi mắt chỉ gồm có 2 tế bào có khả năng cảm giác ánh sáng. Mắt của chúng không nằm trên đầu mà rải rác trên ống thần kinh, cảm nhận được ánh sáng qua sự trong suốt của cơ thể.
Hệ cơ của lưỡng tiêm ít phân hoá, do vậy chúng chỉ có cử động trong môi trường nước bằng các động tác uốn mình đơn giản. Khi không phải di chuyển chúng thường vùi mình trong cát.
Cách hô hấp của lưỡng tiêm gần giống với các loài cá. Chúng rung động tiêm mao (các tua ở miệng) để đưa dòng nước từ hầu tới khe mang. Vách của khe mang có nhiều mạch máu, tại đây xảy ra quá trình trao đổi khí.
Chúng cũng dùng tiêm mao để đưa nước có chứa thức ăn (các loại vi tảo) qua hầu. Thức ăn được lọc và đưa xuống các cơ quan tiêu hóa.
Lưỡng tiêm xuất hiện nhiều tại các vùng biển cạn phía Nam châu Á. Tại Việt Nam, chúng thường được bắt gặp với số lượng lớn ở đảo Bạch Long Vĩ.