Chính ông Nguyễn Xuân An cũng không ngờ khi mình ở tuổi “thất thập cổ lai hi” lại trở thành nhà sáng chế. Hơn nữa, không phải sáng chế trong lĩnh vực địa chất mà ông đã có trên 40 năm cống hiến, lại thuộc một lĩnh vực khác xa là thuỷ sản.
Mọi việc bắt đầu từ cơn bão Chan Chu. Một ngày giữa tháng 5/2006, như lệ thường, sau bữa cơm chiều ông bà ngồi trước máy thu hình. Cơn bão hình thành quá nhanh ngoài biển Đông, sức gió giật đến cấp 12, cấp 13 vừa đổ bộ vào miền Trung, cướp đi sinh mạng của 246 ngư dân, nhiều người là thanh niên câu mực bằng thuyền thúng đã gặp bão, mất tích.
Một thử nghiệm tại biển Đà Nẵng: thuyền thúng phao bị lật úp trở thành phao cứu sinh cho ngư dân bám vào. |
Đêm đó ông thức trắng, tính toán, hí hoáy hết phác thảo này đến phác thảo khác. Mẫu chiếc thuyền thúng thành phao cứu sinh và công trình “Thuyền thúng phao an toàn cho người đi biển” ra đời nhanh, bất ngờ như vậy!
Điểm mấu chốt trong việc cải hoán này, là ghép thêm một khối vật liệu nhẹ bọt xốp (styro foam) hình vành khuyên vào lòng thuyền và đục một lỗ ở đáy có nút đóng mở được. Nếu là thuyền bình thường khi gặp sóng lớn sẽ bị lật chìm, còn với thuyền cải tiến, người bị nạn mở van nước tràn vào cân bằng trong ngoài, đồng thời khối nhựa xốp trở thành phao làm cho thuyền không thể bị chìm.
Thuyền còn có hệ thống dây chằng xung quanh để người bị nạn dễ bám; giữa họ với thuyền lắp thêm một đai dây an toàn để khi sóng to gió lớn không đánh bật người lìa khỏi phao, và khả năng xấu nhất nếu họ bị tử vong cũng không trôi mất xác.
Ban đầu, ông An dùng ngay mẫu chiếc thuyền nan tre câu mực của ngư dân, thực hiện các cải tiến và được Bộ Thuỷ sản thử nghiệm lần đầu ngay tại Hồ Tây, Hà Nội. Kết quả như mong đợi, thuyền phao tre nan đã có những tính năng mới so với thuyền câu mực truyền thống.
Không dừng lại ở đó, ông nâng cấp vật liệu chế vỏ thuyền là loại composite có độ bền va đập cao. Sau đó ông chuyển địa điểm thử nghiệm vào hẳn thành phố biển Đà Nẵng nơi có những đội thuyền câu mực đại dương. Ông đi về hai nơi như con thoi. Khi đến các cơ quan chức năng tìm sự giúp đỡ, khi xuống phường bàn bạc với ngư dân, rồi đặt nhà sản xuất, chế tạo… Tất nhiên với một người đã nghỉ hưu, một nhà sáng chế tự nguyện như ông, thì mọi chi phí cho công việc đều từ tiền túi bỏ ra và có lẽ việc ông làm thật hợp với câu ngạn ngữ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng ông “vác tù và hàng tổng” với cái tâm trong sáng, không hề có sự đắn đo hơn thiệt. Bà con ngư dân hồ hởi đón nhận phương tiện mới và tận tình truyền kinh nghiệm cho ông, người “ngoại đạo” về đánh bắt hải sản, để ông có điều kiện bổ sung, hoàn chỉnh công trình của mình.
Ông Nguyễn Xuân An tại hội thảo thuyền phao ở Đà Nẵng. |
Tháng 9/2006, Bộ Thuỷ sản (cũ) thành lập hội đồng khoa học công nghệ xem xét công trình của ông Nguyễn Xuân An. Hội đồng đã nghiệm thu, đánh giá tốt và kiến nghị Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia cùng tác giả đề tài tổ chức hướng dẫn, chuyển giao cho ngư dân sử dụng thử với số lượng 10 chiếc, sau đó tiếp tục hoàn thiện công trình trước khi đưa vào sử dụng đại trà.
Rồi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ đã cấp bằng sáng chế cải tiến “thuyền - phao cứu sinh” của ông. Năm 2007, công trình đã đoạt được nhiều giải thưởng, bảo đảm thực sự là một tiến bộ khoa học kỹ thuật: Cúp Vàng Techmart Việt Nam; Giải nhất - Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật ngành Thuỷ sản; Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động VN; Giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Như vậy, mọi việc đều thông đồng bén giọt, những tưởng “đầu đã xuôi”...
Mới đây, tôi đến thăm tác giả công trình tại nhà riêng, thấy một chiếc thuyền thúng phao đường kính tới 3 mét còn đang treo trước sân. Nét mặt chủ nhà không được vui khi tôi hỏi sao chiếc thuyền này lại nằm đây, mà không phải ở một làng chài ven biển? Theo ông Nguyễn Xuân An, sở dĩ công trình đang trong tình trạng “đuôi chưa lọt”, chỉ vì thiếu vốn.
Bộ Thuỷ sản cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cùng chính quyền sở tại chỉ có thể ứng kinh phí chế thử vài chiếc, khi đã nghiệm thu được rồi, chính các chủ tàu phải bỏ vốn để sắm sửa công cụ mới cho mình. Ách tắc tại đây. Cách làm lâu nay của các chủ tàu là họ tự trang bị một số lượng thuyền nan câu mực nhất định rồi thuê ngư dân đánh bắt, nay một lúc đầu tư mới hàng vài chục triệu đồng thì họ không đủ vốn và họ cũng ngại đầu tư lớn một lúc, khi mỗi lần ra khơi như “đánh bạc”, được mất khôn lường (thuyền phao cải tiến giá thành gấp khoảng hai lần thuyền nan thông thường). Như vậy không thể hoàn toàn trách các chủ tàu được.
Nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân An, nếu Nhà nước thấy lợi ích thiết thực, cần nhân rộng, thì nên có chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho các chủ tàu, để họ tự đổi mới trang bị. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư thí điểm mở rộng thêm ở một vài địa phương, để có thể rút được nhiều kinh nghiệm. Ông đã gửi thư cho 16 vị chủ tịch các tỉnh có biển từ Thanh Hoá trở vào, nói rõ sự cần thiết hỗ trợ vốn cho ngư dân và phương hướng triển khai...
Trong quá trình trò chuyện, đến khi sắp phải tiễn khách, hình như ông không muốn nỗi trăn trở của mình “lây” sang tôi, ông bảo, nghề địa chất đã rèn cho ông tinh thần lạc quan, như việc đi tìm mỏ trước hết phải có niềm tin, rồi kiên trì nhẫn nại, còn một tia hy vọng vẫn tìm...