Tiểu hành tinh lớn bằng sân vận động tiếp cận Trái đất

Tiểu hành tinh 2019 LH5 với đường kính khoảng 268m dự kiến đến cách Trái đất 5,6 triệu km lúc hơn 11h ngày 7/7.

Những người quan tâm có thể theo dõi online chuyến tiếp cận sắp tới của LH5 2019 vì Dự án Kính viễn vọng Ảo (VTP) sẽ phát sóng trực tiếp khi tiểu hành tinh này bay qua gần Trái đất. VTP là dịch vụ do Đài quan sát Thiên văn Bellatrix ở Ceccano, Italy, cung cấp.


Tiểu hành tinh 2019 LH5 bay tới gần Trái đất hôm 4/7. (Ảnh: Gianluca Masi/VTP).

Nhà thiên văn Gianluca Masi tại VTP đã chụp 2019 LH5 bằng kính viễn vọng tại Manciano, Italy, hôm 4/7, khi tiểu hành tinh này cách Trái đất khoảng 7,2 triệu km.

2019 LH5 được phát hiện lần đầu vào năm 2019. Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA ước tính, 2019 LH5 có kích thước tương đương một sân vận động với đường kính khoảng 268 m. Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) thuộc NASA, đường kính của tiểu hành tinh này có thể dao động trong khoảng từ 210 - 470m.

Vào thời điểm tiếp cận gần, 2019 LH5 sẽ di chuyển với tốc độ khoảng 77.900km/h so với Trái đất, theo CNEOS, nhanh gấp khoảng 20 lần đạn súng trường.

2019 LH5 là một trong hơn 32.000 vật thể gần Trái đất, còn gọi là NEO, mà các nhà khoa học đã xác định đến nay. NEO là thuật ngữ dùng để chỉ những thiên thể quay quanh Mặt Trời và đi qua cách quỹ đạo Trái đất trong khoảng 48 triệu km.

Đa số NEO là tiểu hành tinh nhỏ, nhưng cũng có hơn 100 sao chổi nằm trong danh sách này. Hơn 2.300 NEO, bao gồm cả LH5 2019, được xếp loại "có khả năng gây nguy hiểm" dựa theo quỹ đạo và kích thước lớn. Cụ thể, chúng dự kiến tiếp cận Trái đất trong phạm vi 7,4 triệu km và ước tính rộng hơn 140 m.

Các vật thể thuộc nhóm "có khả năng gây nguy hiểm" đủ lớn để gây thiệt hại đáng kể ít nhất ở quy mô khu vực nếu đâm xuống Trái đất. Các nhà khoa học vẫn đang liên tục theo dõi bầu trời để phát hiện NEO và theo dõi chuyển động của chúng nhằm bảo vệ hành tinh xanh.

2019 LH5 mất khoảng hai năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời. Trong một số chuyến đi tới vùng phía trong hệ Mặt Trời, nó sẽ bay qua rất gần Trái đất. Các nhà thiên văn đã tính toán cẩn thận quỹ đạo của 2019 LH5 và nhận thấy không có khả năng xảy ra va chạm trong ít nhất 11 chuyến tiếp cận gần Trái đất tiếp theo, cho đến năm 2192.

Cập nhật: 07/07/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video