Giáo sư Armin Falk của Đại học Bonn và các cộng sự yêu cầu 18 tình nguyện viên điền vào một số phiếu khảo sát để tìm hiểu về cách thức ra quyết định tiêu tiền của họ. Nhóm nghiên cứu đưa ra hai mức lương giả định, trong đó một mức cao hơn 50% so với mức kia.
Tuy nhiên, nếu tình nguyện viên nhận mức lương cao hơn thì giá của những sản phẩm mà họ mua cũng tăng thêm 50%. Điều này có nghĩa là nếu chọn mua một loại sản phẩm thì khả năng mua sắm của toàn bộ tình nguyện viên bằng nhau.
Trong lúc tình nguyện viên điền thông tin và phiếu khảo sát, các chuyên gia tiến hành chụp vỏ thùy giữa trán (ventromedial prefrontal cortex) – vùng não chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác hưng phấn, thỏa mãn khi con người dùng ma túy. Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong cả hai trường hợp (chấp nhận mức lương cao hoặc thấp), hành vi tiêu tiền sẽ tạo ra phản ứng giống hệt nhau ở vỏ thùy giữa trán.
Nhưng kết quả không hoàn toàn giống với phán đoán của các nhà khoa học. Các phản ứng trong vỏ thùy giữa trán của nhóm tình nguyện viên nhận mức lương cao diễn ra mạnh hơn và lâu hơn so với những người nhận mức lương thấp, mặc dù trên thực tế sức mua của cả hai nhóm bằng nhau.
“Điều này cho thấy mức độ thỏa mãn của con người thường tăng lên cùng với thu nhập. Chúng ta luôn cảm thấy sung sướng hơn khi nhận mức lương cao hơn mặc dù giá cả thực tế của hàng hóa cũng tăng lên tương ứng. Phát hiện của chúng tôi củng cố một giả thiết mà theo đó, vỏ thùy giữa trán dễ bị đánh lừa bởi ảo tưởng về tiền bạc”, Falk phát biểu.
Giáo sư Falk cũng nói thêm rằng nhiều nhà kinh tế không tin vào sự tồn tại của khái niệm “ảo tưởng tiền bạc”, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây khẳng định dạng ảo tưởng này thực sự tồn tại.