Chim cánh cụt khổng lồ sống cách đây 40 triệu năm có kích thước vượt xa chim cánh cụt Hoàng đế, với chiều cao từ chân đến mũi vào khoảng 2m.
Các nhà cổ sinh vật học vừa khai quật được hóa thạch xương thuộc về một loài chim cánh cụt khổng lồ, sống cách đây từ 37 đến 40 triệu năm.
Ảnh: iflscience.com
Với chiều cao ngất ngưởng khi đứng lên đến 1,6m - 2,02m nếu tính luôn cái mũi dài, Palaeeudyptes klekowskii là loài chim cánh cụt cao nhất từng được biết đến trong lịch sử Trái đất.
Theo tiến sĩ Carolina Acosta Hospitaleche của Viện bảo tàng La Plata (Argentina), hóa thạch được tìm thấy tại đảo Seymour, thuộc chuỗi quần đảo nằm ngoài khơi bán đảo Nam Cực.
Cách đây 37 - 40 triệu năm, khu vực trên ấm hơn nhiều so với ngày nay, biến nơi này thành thiên đường cho chim cánh cụt, với khoảng 10 đến 14 loài khác nhau sống dọc theo bờ biển Nam Cực, theo báo cáo đăng trên trang New Scientist.
Ngoài chiều cao phá mọi kỷ lục, Palaeeudyptes klekowskii nặng hơn 115kg, tức gấp đôi trọng lượng trung bình của chim cánh cụt Hoàng đế.
Kích thước khổng lồ này cho phép chúng duy trì trạng thái lặn ít nhất 40 phút trong nước.