6 nhà máy nhiên liệu sinh học đã được cấp phép với nhu cầu tiêu thụ mỗi năm khoảng 1,2 triệu tấn sắn lát, trong đó nhà máy ở Quảng Nam đã vận hành. Giới kinh doanh lo ngại sẽ thiếu sắn để sản xuất Ethanol.
Theo đề án phát triển nguyên liệu Ethanol sinh học, đến năm 2015, Việt Nam cần 4,2 triệu tấn sắn lát để sản xuất ra 750 triệu lít Ethanol. Bàn về việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hai ngày trước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành hóa dầu cho rằng trong tương lai gần, thị trường tiêu thụ sắn lát sẽ có cạnh tranh khốc liệt và thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Thị trường sắn được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt trong những năm tới khi có đến 6 nhà máy sản xuất Ethanol hoạt động. (Ảnh: Trí Tín)
Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cảnh báo sẽ lập lại "vết xe cũ" ngành mía đường thời vàng son nhiều năm trước, tranh nhau mua nguyên liệu. “Ngay từ bây giờ phải có chính sách phát triển vùng nguyên liệu sắn phù hợp, hoặc hợp tác phát triển vùng nguyên liệu sắn sang Lào, Campuchia”, ông Khang nói.
Đang xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol có công suất 100.000 m3 một năm tại Khu kinh tế Dung Quất, ông Đặng Vĩnh Nghi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung cho biết đang xem xét các phương thức phát triển vùng nguyên liệu sắn.
Chẳng hạn như: góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn cho người trồng sắn. Hợp tác trồng sắn bằng hình thức hỗ trợ vốn, giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch cho người dân. Riêng đối với khu vực miền núi, có thể đầu tư trọn gói, trả lương cho người dân theo hướng trả lương công nhân nông nghiệp.
Ông Nghi cũng đề xuất với Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam lập Quỹ bảo hiểm rủi ro cho vùng nguyên liệu sắn.