Theo Sci-News, loài mới được đặt tên là Anthocerotibacter panamensis, tách ra từ dòng dõi vi khuẩn lam cổ đại Gloeobacter mà hóa thạch lâu đời nhất lên tới 1,4 tỉ năm tuổi. Gloeobacteria lại tách ra từ Phycobacteria hiện hữu trong các hóa thạch có niên đại 2 tỉ năm.
Không chỉ thuộc nhóm sinh vật cổ xưa nhất hành tinh, vi khuẩn lam còn được quan tâm bởi nhiều nghiên cứu cho thấy chính sự xuất hiện và quang hợp của chúng đã biến Trái đất non trẻ đầy những loại khí chết chóc trở nên giàu oxy, phù hợp với các dạng sống tiên tiến hơn.
Sinh vật hàng tỉ tuổi vừa được tìm thấy.
Trải qua hàng tỉ năm, dòng họ vi khuẩn lam vẫn tiếp tục tồn tại và tác động nhiều đến môi trường. Trong đó cũng có những loài "sát thủ", tạo nên hiện tượng "tảo nở hoa" có liên quan đến hoạt động gây ô nhiễm của con người, giải phóng chất độc tấn công ngược lại con người và các sinh vật khác.
Loài mới được tìm thấy đang sống khỏe trên một loài ngải cứu nhiệt đới ở Panama.
Tiến sĩ Fay-Wei Li, một nhà nghiên cứu tại Viện Boyce Thompson và Bộ phận Sinh học Thực vật tại Đại học Cornell (Mỹ) cho biết chúng được thừa hưởng khả năng tạo ra carotenoid giúp bảo vệ các sinh vật khỏi ánh nắng mặt trời từ dòng "ông ngoại" Phycobacteria, thứ cũng di truyền đến nhiều loài thực vật khác, nhưng lại khác với các vi khuẩn thuộc dòng Gloeobacteria vốn đã mất đi khả năng này.
Chúng có khả năng quang hợp khá yếu, nhưng lại hiệu quả bởi bộ máy quang hợp được xây dựng hoàn chỉnh với ít các thành phần cần thiết nhất.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Current Biology, những điều đặc biệt của sinh vật này xác định sẽ mở ra một cửa sổ mới để nhìn vào bình minh của quá trình quang hợp, từ đó lý giải khả năng thần kỳ của loài vi khuẩn lam trong việc giúp Trái đất trở nên dễ sống.
Các nghiên cứu về vi khuẩn lam cũng giúp định hướng nhiều sự mệnh truy tìm sinh vật ngoài hành tinh. Giới sinh học thiên văn tin rằng khả năng tìm ra một hành tinh có vi khuẩn lam giống Trái đất sơ khai khả thi hơn nhiều việc tìm kiếm một nền văn minh khác.