Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Jose Maria Gomez đến từ Đại học Granada, Tây Ban Nha thì chồn Meerkat mới là những kẻ vô địch về mức độ tàn nhẫn trong thế giới động vật.
Chồn Meerkat có tên khoa học là Suricata suricatta hay còn gọi là cầy vằn, chồn đất, chồn đất châu Phi. Chồn Meerkat là động vật có vú, thân hình nhỏ, là một thành viên của họ cầy Mangut và là loài duy nhất của chi Suricata.
Chồn Meerkat sinh sống chủ yếu tại sa mạc Kalahari, Botswana và Nam Phi. Bên cạnh đó, một số vườn thú và khu bảo tồn lớn trên thế giới hiện nay cũng đã nuôi dưỡng loài này.
Chồn Meerkat là loài sát hại đồng loại nhiều nhất thế giới động vật.
Chúng có trọng lượng cơ thể từ 0,5 - 2,5kg. Chiều dài cơ thể từ 35 - 50cm. Nhìn chung, chúng có thân hình khá mảnh khảnh. Chiếc đuôi dài trung bình lên đến 25cm giúp cho chồn Meerkat giữ được cân bằng khi đứng bằng 2 chi sau. Khi đứng chồn Meerkat có thể dễ dàng quan sát xung quanh trong việc săn mồi cũng như cảnh báo đồng loại.
Đây là loài sống theo từng bầy, mỗi bầy có từ 20 – 30 cá thể, cá biệt có bầy lên đến 50 cá thể. Chồn Meerkat có tuổi thọ trung bình từ 12 - 14 năm.
Chiếc đuôi dài giúp chồn Meerkat có thể đứng vững bằng 2 chi sau.
Thức ăn chủ yếu của chồn Meerkat là các loại côn trùng, nhưng đôi khi chúng cũng ăn thằn lằn, rắn, bọ cạp, nhện, trứng, động vật có vú nhỏ, rết, cuốn chiếu và hiếm bắt gặp hơn là những con chim nhỏ và nấm. Meerkat miễn nhiễm với một số loại nọc độc, trong đó có nọc độc rất mạnh của loài bọ cạp ở sa mạc Kalahari. Khi thiếu nguồn thức ăn, chồn Meerkat sẽ săn luôn rắn và bò cạp để làm thức ăn.
Chồn Meerkat phân chia công việc khá rõ ràng khi đi tìm thức ăn. Một con sẽ làm nhiệm vụ canh gác, còn những thành viên còn lại trực tiếp săn mồi. Nếu "lính gác" đứng im lặng quan sát có nghĩa là khu vực đó an toàn, còn khi thấy có kẻ thù xuất hiện chúng sẽ la hét ầm ĩ để báo hiệu. Nhiệm vụ này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian là 1h.
"Lính gác" Meerkat đang tập trung canh gác cho đồng loại đi kiếm thức ăn.
Cuộc sống trên sa mạc luôn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Chính vì vậy, chồn Meerkat có ý thức đề phòng cảnh giác rất cao. Khi ngủ chúng sẽ nằm chồng lên nhau, một tai thì luôn vểnh lên để nghe ngóng mọi động tĩnh xung quanh.
Thời gian mang thai của chồn Meerkat là khoảng 11 tuần, con non sau khi sinh ra sẽ ở cùng với mẹ trong hang dưới đất. Meerkat con sẽ bú sữa mẹ đến khoảng 60 ngày tuổi thì cai. Chồn con sẽ mở mắt sau từ 10 đến 14 ngày tuổi.
Những con non được phép rời khỏi hang khi được 3 tuần tuổi trở lên và sau đó sẽ bắt đầu học cách kiếm ăn từ những con lớn hơn trong bầy. Chồn cha mẹ thường giết những con không phải do mình sinh ra để bảo đảm con của chúng cơ hội sống sót tốt nhất. Nếu cặp đầu đàn là ruột thịt chúng sẽ không giao phối, nhiệm vụ sinh sản trong đàn sẽ do những con cái phối cùng những con đực của bầy khác. Vì thế, những con đang mang thai có xu hướng ăn thịt những con non của các bà mẹ khác trong đàn.
Loài bò cạp có nọc cực độc này cũng là món khoái khẩu của chồn Meerkat.
Trong thứ tự bầy đàn, những con Meerkat khỏe đôi khi giết chết các thành viên trẻ của nhóm. Những con Meerkat yếu hơn thì giết con của các thành viên cấp cao để cải thiện vị trí cho con của chính nó trong bầy.
Trong bảng xếp hạng của Gomez thì trong top 50 còn có các loài như: sóc, ngựa hoang, linh dương, nai, tinh tinh,... Các loài động vật này sát hại lẫn nhau nhiều hơn cả gấu và hổ.
Về độ tàn nhẫn với đồng loại vượn cáo đuôi vòng chỉ chịu thua chồn Meerkat.
Xếp ngay sau chồn Meerkat là loài vượn cáo đuôi vòng (Lemur). Đây là loài động vật đặc hữu của đảo quốc Madagascar. Lemur thường hay sống ở các khu rừng ven sông hoặc trong các rừng cây gai chà phía Nam hòn đảo. Trong điều kiện hoang dã chúng sống thọ từ 16 - 19 năm, còn trong môi trường nuôi nhốt chúng có thể sống được đến 27 năm. Đây là loài đã được liệt kê vào hàng nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Các loài linh trưởng cũng tàn nhẫn không kém khi xếp vị trí thứ 3 trong danh sách.
Theo ngay sau Lemur trong danh sách này là các loài linh trưởng như khỉ, đười ươi hay tinh tinh.
Để có được kết quả này, Jose cùng cộng sự đã thu thập mọi thông tin về nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 1000 loài khác nhau, tập trung chủ yếu vào vấn đề bạo lực đối với đồng loại. Rất ngạc nhiên khi các loại chồn và cầy hương mới là những kẻ tàn bạo nhất chứ không phải các loài ăn thịt khác hay là các loài linh trưởng.
Trong danh sách này, tinh tinh (một loại linh trưởng) cũng có mặt, tuy nhiên, con người không được cho là một trong những loài bạo lực nhất vì tổ chức xã hội của con người là khá khác biệt. Văn minh hiện đại đã làm giảm "cơn khát máu" từ thời săn bắn hái lượm.