Ở cách trái đất 250 ánh sáng, trong chòm sao Capricornus (Dê biển), có một ngôi sao giống hệt mặt trời.
Theo trang Discovery News, ngôi sao này có tên HIP 102152 và là “anh sinh đôi” với mặt trời. Tuy nhiên, ngôi sao này có độ tuổi 8,2 tỷ năm, nghĩa là già hơn mặt trời gần 4 tỷ năm. Mới đây, Đài quan sát Các biến động mặt trời của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã quan sát được các trận bão trên bề mặt HIP 102152.
“Anh song sinh” lớn hơn mặt trời của chúng ta gần 4 tỷ năm tuổi - (Ảnh: Universetoday)
“Quan sát ngôi sao HIP 102152 là cách quan trọng để hiểu rõ mặt trời của chúng ta và dự báo số phận của nó” - Discovery News dẫn lời nhà thiên văn học TalaWanda Monroe thuộc ĐH San Paulo ở Brazil bình luận.
Các nhà thiên văn học phải quan sát các ngôi sao có khối lượng và các yếu tố tương tự mặt trời, từ đó, họ có thể phát hiện ra các thông tin về mặt trời, ví dụ như độ sáng của nó khi mới ra đời hay phóng xạ của nó sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai.
“HIP 102152 là ngôi sao lý tưởng để quan sát thời kỳ cuối của mặt trời” - chuyên gia Monroe cho biết. Thông thường, những ngôi sao như mặt trời tồn tại khoảng 10 tỷ năm trước khi cạn nhiên liệu hydro. Khi đó, chúng sẽ nguội dần, phình to thành một ngôi sao đỏ khổng lồ trước khi tắt sáng.
HIP 102152 còn giống mặt trời ở một điểm đặc biệt khác. Các quan sát cho thấy có khả năng có các thiên thể và hành tinh xoay quanh ngôi sao này.