Các nhà khảo cổ học Anh vừa mới khai quật được tàn tích của một cấu trúc xây dựng bí ẩn thời tiền sử nhiều khả năng còn lâu đời hơn so với hệ thống kim tự tháp Ai Cập cổ đại.
Cấu trúc kỳ lạ chưa từng xuất hiện trước đây ở Anh nói riêng và cả Châu Âu nói chung, ban đầu được xác định là phần móng của con đường hay cây cầu dẫn đến một hòn đảo nhân tạo nằm ở phía đông nam xứ Wales ngày nay.
Tàn tích của cấu trúc được xác định là phần móng của một con
đường hay cây cầu khoảng 6.500 năm. (Ảnh: Steve Clarke)
Phát hiện ở Monmouth, nó bao gồm rất nhiều rãnh lớn có thể là nơi đặt xà gỗ - nền móng xây dựng một công trình đồ sộ. Giả thuyết này càng được khẳng định khi Steve Clarke, Chủ tịch Hội khảo cổ học Monmout cùng các đồng nghiệp tìm thấy phế tích của 3 thân cây khổng lồ dài tới hơn 15m, rộng gần 1m đặt với nhau cạnh một cái hồ chứa đầy bùn.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu nghĩ rằng cấu trúc là móng của một ngôi nhà. Tuy nhiên, các rãnh gỗ lại quá lớn cho mục đích đó (một ngôi nhà bình thường chỉ cần sử dụng những xà gỗ rộng 0,3m và dài 1m).
“Đặc biệt, gỗ cũng được các thợ xây thời xưa xếp thành hàng ở cả giữa hồ - bằng chứng cho thấy đây hoàn toàn có thể là một phần con đường đắp cao hoặc cây cầu dẫn đến ngôi nhà của người Xen-tơ cổ đại (tộc người thường dựng nhà trên hồ và đầm lầy) hay một hòn đảo nhân tạo”, Steve Clarke nói.
Nhóm chuyên gia tin rằng cấu trúc xuất hiện ít nhất vào thời kỳ đồ đồng, khả năng là đầu thời kỳ đồ đá mới, có niên đại khoảng 6.500 năm. Như vậy, số tuổi của nó còn nhiều hơn kim tự tháp Ai Cập chừng 2.000 năm.
Các nhà khảo cổ đã gửi một số mẫu vật mang đi phân tích và hy vọng kết quả dự kiến có vào cuối tháng này sẽ giúp họ làm sáng tỏ mục đích xây dựng của nó.
Tham khảo: Livescience